Hà Nội kỷ lục 469 ca nhiễm Covid-19, người dân đang chủ quan, lơ là phòng chống dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 30/11 đến 18 giờ ngày 1/12 Hà Nội ghi nhận 469 ca bệnh trong đó cộng đồng (202), khu cách ly (178), khu phong tỏa (89).

 Hà Nội kỷ lục 469 ca nhiễm Covid-19
Phân bố 469 bệnh nhân tại 160 xã, phường, thị trấn thuộc 26/30 quận, huyện: Đống Đa (53), Bắc Từ Liêm (45), Hai Bà Trưng (42), Nam Từ Liêm (41), Ba Đình (29), Mê Linh (26), Hà Đông (26), Long Biên (25), Mỹ Đức (21), Đan Phượng (21), Thanh Trì (20), Đông Anh (17), Chương Mỹ (17), Hoàng Mai (15), Thanh Oai (14), Tây Hồ (10), Quốc Oai (9), Cầu Giấy (7), Gia Lâm (7), Hoàn Kiếm (6), Phú Xuyên (5), Hoài Đức (4), Thanh Xuân (3), Sơn Tây (3), Phúc Thọ (2), Thường Tín (1).
Phân bố 202 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Phân bố tại 97 xã phường thuộc 24/30 quận huyện: Bắc Từ Liêm (26), Đống Đa (24), Ba Đình (16), Mê Linh (14), Nam Từ Liêm (12), Hai Bà Trưng (12), Đan Phượng (11), Thanh Trì (11), Chương Mỹ (10), Hoàng Mai (10), Quốc Oai (8), Thanh Oai (7), Tây Hồ (6), Gia Lâm (6), Long Biên (5), Hoàn Kiếm (5), Đông Anh (4), Hà Đông (4), Mỹ Đức (3), Sơn Tây (3), Thanh Xuân (2), Hoài Đức (1), Phúc Thọ (1), Phú Xuyên (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong năm 2021 là 11.066 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.439 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.627 ca.

Sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine đã đạt ở mức cao. Hà Nội đã bước sang trạng thái “bình thường mới”, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch tuy nhiên nhiều người dân đang có tâm lý chủ quan lơ là với dịch bệnh. Trên thực tế tại Hà Nội, trong khi số ca mắc tăng cao, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện F0 với lịch trình di chuyển vô cùng phức tạp, dường như một bộ phận người dân Hà Nội vẫn đang nuôi tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Một số quận, huyện nhiều ngày chưa có ca F0 trong cộng đồng cũng xuất hiện tâm lý lơ là.

Mặc dù TP đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện quét mã QR Code nhằm truy vấn dữ liệu liên quan khi có các ca nghi nhiễm, nhiều hàng quán, công ty cũng đã dán mã QR Code để khách đến làm việc thuận tiện khai báo nhưng một bộ phận hàng quán lẫn người dân vẫn chưa tạo thói quen quét mã QR Code. Đặc biệt, những tháng cuối năm, nhiều công ty tổ chức các buổi gặp mặt cuối năm, gia đình họ hàng, bạn bè cũng tổ chức các buổi ăn uống họp mặt. Trong những cuộc tiệc tùng như vậy, phần đông người dân không tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Cửa hàng, khách sạn, quán ăn, quán cà phê… là nơi thường xuyên có người tới, chính vì thế việc đăng ký mã quét QR khai báo y tế là rất cần thiết bởi khi có vấn đề xảy ra, việc truy vết, rà soát sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Thực tế cũng cho thấy, công tác phòng dịch tại các địa điểm trên rất kém. Đơn cử như hàng quán vỉa hè bàn ghế kê sát nhau, không đảm bảo giãn cách 2m, bàn ăn không có tấm chắn, vách ngăn. Nhiều người vô tư bỏ khẩu trang, ăn uống, chuyện trò vui vẻ sau một năm trời hạn chế tiếp xúc, gặp mặt nhau. Chính những điều này đang khiến cho thành quả chống dịch của TP "đổ sông đổ bể".

Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch”. Ý thức với bản thân và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch. Chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Trước lo ngại về biến chủng mới Omicron có tốc lây lan nhanh gấp nhiều lần, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp ứng phó. Dù đã tiêm 2 mũi vaccine, người dân vẫn luôn phải nâng cao cảnh giác, không phải lệnh giãn cách diện rộng như trước đây nhưng càng hạn chế tụ tập đông người càng tốt, đặc biệt, người dân cần thực hiện tốt 5K. Nếu chủng này xâm nhập, người dân luôn thực hiện tốt 5K thì có thể hạn chế được nguy cơ lây lan dịch.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo thêm: “Chúng ta cũng đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, vì vậy nếu có triệu chứng, người dân cần phải đi khám ngay để được hướng dẫn và điều trị kịp thời. Đối với các DN, đơn vị sản xuất… cần có xét nghiệm định kỳ cho công nhân, người lao động để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Ngoài ra TP cũng nên chú ý bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, tập trung tiêm vaccine cho nhóm tuổi này hoặc những người có bệnh lý nền trước để giảm nguy cơ cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần