Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 12, ngày 5/7, HĐND TP Hà Nội tiến hành tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên UBND TP và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết đã được HĐND, Thường trực HĐND TP quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
Đơn vị nào chịu trách nhiệm với 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải?
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ ĐB quận Bắc Từ Liêm) cho biết, trong các nhóm dự án chậm phê duyệt chủ trương đầu tư, có 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải chưa được phê duyệt. Đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT làm rõ nguyên nhân vì sao chưa phê duyệt 8 dự án này và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?
“Đối với dự án trạm bơm Liên Mạc, đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách cho biết, tại sao chưa trình phê duyệt các dự án này?” – đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, đối với 60 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 134 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, tất cả dự án nằm trong kế hoạch 5 năm và đã rà soát điều chỉnh đưa vào đầu tư công mà HĐND TP đã thông qua.
Cụ thể, đối với 60 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, tại phiên họp ngày hôm qua đã trình thêm 6 dự án và đến nay còn 54 dự án. Theo chỉ đạo Thành uỷ, TP, Sở sẽ đôn đốc và yêu cầu các dự án này trình HĐND vào kỳ họp cuối năm 2023.
Đối với 134 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, đã tiến hành tham mưu với TP chia các dự án lập chủ đầu tư theo các quận/huyện, sở chuyên ngành. Đồng thời đã báo cáo TP và có biểu riêng gửi từng đơn vị. Trong các kỳ giao ban TP đã tham mưu Chủ tịch UBND TP giao ban với các chủ đầu tư và sở chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định các dự án này. Từ đó, chỉ ra các dự án chậm, muộn để báo cáo TP xem xét đôn đốc trong quá trình thực hiện.
Về 8 dự án thu gom xử lý nước thải, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, trong quá tình rà soát đầu tư công đã làm việc với Sở Xây dựng và Sở Xây dựng cam kết sẽ trình vào kỳ họp tháng 9 HĐND TP. Nguyên nhân do tính chất dự án và kế hoạch thoát nước cho nhiều thay đổi nên ảnh hưởng đến quá trình trình chủ trương đầu tư.
Liên quan Trạm bơm Liên mạc, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, theo cam kết của UBND TP dự kiến trình tháng 7. Quá trình rà soát đã làm việc với Sở NN&PTNT và cùng tư vấn nghe lại quá trình triển khai cũng như những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn và cố gắng kỳ họp tháng 9 sẽ trình.
Trả lời rõ thêm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện tại, Hà Nội có 8 dự án thoát nước, xử lí nước thải, trong đó có 5 dự án nhóm B và 3 dự án nhóm A. Bốn trong số 5 dự án nhóm B đã được trình thẩm định, còn lại dự án trạm bơm Gia Thượng thì cần chờ quận Long Biên điều chỉnh vị trí trạm bơm, sau đó sẽ trình ngay đề xuất chủ trương.
Đối với 3 dự án nhóm A, bao gồm nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Tây Sông Nhuệ, và dự án thoát nước và cải thiện môi trương Long Biên-Gia Lâm, đây là 3 dự án lớn, có mức đầu tư lần lượt là 2.600 tỷ, 2.900 tỷ và 4.700 tỷ, do đó cần rà soát kỹ khi lập đề xuất chủ trương để đảm bảo báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi đồng bộ, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần. Sau khi hoàn thiện, Sở Xây dựng sẽ trình Sở Kế hoạch Đầu tư vào tháng 8-9 để trình HĐND vào kỳ họp cuối năm.
Bao giờ hoàn thành dự án đầu tư công viên Thống Nhất?
Đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ Phúc Thọ) đề nghị cho biết tiến độ thực hiện các dự án công viên, vườn hoa cây xanh trên địa bàn TP. Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết tiến độ dự án Công viên vườn hoa vui chơi Hà Đông, và phương án đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án?
Trả lời đại biểu Hoàng Thị Tú Anh, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, công viên văn hoá vui chơi giải trí Hà Đông, ngày 23/9/2021 đã được HĐND TP đưa vào danh mục các dự án mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư. Theo tiến độ thực tế của dự án, ngày 30/9/2021, UBND quận Hà Đông đã có báo cáo số 469 báo cáo Ban Cán sự Đảng thành phố và UBND thành phố về tình hình quản lý, khai thác tạm với phần diện tích 52,8ha đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 332 ngày 31/12/2021 về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông được dự kiến xây dựng hoàn thành giai đoạn 2021-2025 và ngày 14/4/2022, UBND quận đã có báo cáo với thành phố để xem xét và giao đơn vị thuộc UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, lập tổng thể quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Đồng thời, giao UBND quận Hà Đông lập chủ trương đầu tư giai đoạn một và phần mặt bằng đã giải phóng mặt bằng 52,8ha.
Đối với phần diện tích này, quận Hà Đông đã giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông quản lý để chống tái lấn chiếm. Quận cũng đã báo cáo UBND thành phố và Sở Kế hoạch Đầu tư cho phép Hà Đông chuẩn bị đầu tư giai đoạn một dự án tại Tờ trình số 265, gồm hai phân khu là Khu công viên văn hóa, cây xanh diện tích là 13,53 ha, Khu công viên vui chơi giải trí diện tích 23,16 ha và diện tích mặt nước là 16,18 ha vào ngày 23/3/2023 thì Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có cái báo cáo về đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông. Quận đang nghiên cứu xem xét, phê duyệt về quy hoạch 1/500 và trên cơ sở các quy định pháp luật, UBND quận Hà Đông sẽ triển khai các bước đầu tư theo quy định.
Làm rõ thêm, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Trong số các dự án đầu tư công viên, cây xanh nổi bật, việc lập đề xuất chủ trương dự án đầu tư công viên Thống Nhất cần kết hợp lập quy hoạch 1/500 của công viên. Đây là công viên có giá trị văn hóa lịch sử to lớn, gắn với phong trào lao động của công nhân viên chức Thủ đô những năm 1960, và gắn liền với không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và hồ Thiền Quang.
Ngoài ra, công viên Bách Thảo gắn với không gian chính trị, lịch sử Ba Đình, và công viên Thủ Lệ là một công viên chuyên đề, nên việc đầu tư các công viên này cần được đặt trong bối cảnh cụ thể.
Ngày 31/5/2023, Sở Xây dựng đã trình hồ sơ đề xuất chủ trương đến Sở KHĐT để Sở KHĐT lấy ý kiến các sở, ban ngành. Ngày 30/6/2023, Sở KHĐT đã hoàn thành lấy ý kiến và dự định sẽ trình kỳ họp tháng 9 tới.
Làm rõ tiến độ dự án Công viên văn hóa vui chơi Đống Đa
Cũng liên quan dự án chậm, đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở QHKT, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (tổ Ứng Hoà) cho biết, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP về việc đầu tư khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố diễn ra vào tháng 4/2022, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ đại biểu Phú Xuyên) đã đặt một câu hỏi về chậm triển khai của dự án Công viên văn hóa vui chơi Đống Đa.
"Trả lời câu hỏi này, UBND thành phố đã cam kết là trong tháng 7/2022 sẽ phê duyệt điều chỉnh lại chi tiết đối với dự án này. Tuy nhiên, qua theo dõi thì tôi thấy chưa đảm bảo tiến độ. Đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết công tác tham mưu của Sở đối UBND thành phố để thực hiện cam kết nêu trên cũng như nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tồn tại trên?" - đại biểu Phạm Thị Thanh Hương hỏi.
Trả lời Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, về công viên Đống Đa, có cam kết UBND TP triển khai để đến 7/2022 được phê duyệt. Sở nhận trách nhiệm cơ quan tham mưu TP với công tác quy hoạch tại đây. Có nguyên nhân khách quan trong triển khai các công viên trên địa bàn TP. Trong thời gian vừa qua đều có vướng mắc chung là đất dân cư và nhà ở hiện nay trong khu vực công viên mà đã được quy hoạch là công viên từ Quy hoạch 1.259.
Với chỉ đạo UBND TP, Sở tham mưu và cùng chính quyền địa phương nơi có các công viên để rà soát, đánh giá quá trình pháp lý trong quá trình triển khai để báo cáo UBND TP.
Riêng với quận Đống Đa, từ năm 2001 đã có quyết định khoanh vùng đất ở đây với diện tích hơn 6ha. Đến 2005, lại có quyết định xác định ranh giới hơn 7ha. Sau quá trình quận rà soát cùng với Sở TN&MT, Sở QH&KT đề xuất xem xét khoanh vùng trong đó có 2ha bổ sung thêm. Phạm vi ranh giới này có sai khác so với quy hoạch chi tiết trước đây được duyệt. Sở về mặt nguyên tắc đồng thuận với quận Đống Đa về đề xuất phạm vi ranh giới.
Đến nay, UBND TP có chỉ đạo Sở hướng dẫn và phối hợp quận Đống Đa khoanh vùng, rà soát lại vấn đề pháp lý sử dụng đất đối với tất cả khu vực đất xung quanh. Theo quận Đống Đa, đến nay vấn đề rà soát lập đề cương khái toán gửi Sở và trong tháng 7 gửi Sở thẩm định, báo cáo UBND TP có định hướng.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, sau khi xác định ranh giới quận sẽ tuân thủ vấn đề quy hoạch để bổ sung 2ha vào quy hoạch chung. Quận Đống Đa cam kết trong năm 2023 sẽ hoàn thành bố trí quy hoạch tại đây.
Hoàn thành dự án bơm Yên Nghĩa trong năm 2023
Đặt câu hỏi tới Chủ tịch UBND quận Hà Đông, đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ quận Thanh Xuân) đề nghị cho biết tiến độ dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, đồng thời làm sao tháo gỡ khó khăn cho dự án?
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, đối với Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa - diện tích cần GPMB sau khi rà soát là 29,15ha, đến nay tổng diện tích quận Hà Đông ã giải phóng mặt bằng được 28,45/29,15 ha và đạt hơn 97%. UBND quận Hà Đông đã bàn giao cho chủ đầu tư 26,32ha, đạt hơn 91%.
Về cơ chế chính sách tái định cư, quận Hà Đông đã được thành phố tháo gỡ và hiện nay quận đang xây dựng có quy trình bổ sung phần giải phóng mặt bằng.
Xác định đây là dự án trọng điểm của thành phố, chúng tôi quyết tâm cùng với phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cố gắng đẩy nhanh và hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng trong năm 2023.
Làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, cụm Trạm bơm Liên Mạc, TP rất quan tâm để phát triển sản xuất cho người dân. Theo kế hoạch TP sẽ triển khai trong năm 2024. Trước khi chuẩn bị nội dung trình HĐND, UBND TP đã nghe và các ngành đã chuẩn bị xong hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Nhưng tiến độ thời gian không kịp báo cáo qua HĐND. Do vậy, UBND TP thống nhất giao Sở NN&PTNT, Sở KH&Đt cùng các đơn vị liên quan rà soát lại hồ sơ chính để xác thẩm định trình với HĐND TP tại kỳ họp gần nhất.
Đối với Trạm bơm Yên Nghĩa, Thường trực Thành uỷ đã xuống tận nơi kiểm tra và chỉ đạo sát sao. Đến nay có rất nhiều chỉ đạo và tháo gỡ xong hết khó khăn. Đến nay, quận Hà Đông và Sở Xây dựng tập trung đẩy nhanh vấn đề tái định cư. Nếu trường hợp các hộ dân tái đinh cư không chấp nhận cơ chế của TP, Nhà nước thì sẽ xử lý quy trình cưỡng chế. Đối với các công trình ngầm nổi, phấn đấu đến 9/2023 hoàn thiện phần ngầm nổi. Về tiến độ, sau khi thực hiện xong GPMB thì các đơn vị thi công có mặt bằng đến đâu triển khai thi công đến đó và phấn đấu hoàn thành sớm nhất trong năm 2023.
Về dòng kênh dẫn chuẩn bị cho mùa mưa bão, TP chỉ đạo Sở NN&PTNT cho nạo vét toàn bộ phục vụ tiêu, thoát nước. Đồng thời, chuẩn bị hệ thống máy bơm để sẵn sàng khi có tình huống xảy ra thì đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của TP.