Đến thời điểm hiện tại, công tác chuyển đổi số của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó đáng kể nhất là Thủ đô trở thành một trong những địa phương đầu tiên cả nước đảm bảo đầy đủ điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Từ cấp TP đến tận cấp xã đã và đang triển khai những giải pháp quyết liệt, mô hình hay trong chuyển đổi số phục vụ giải quyết TTHC nhanh, gọn cho người dân.
Đẩy mạnh “Một cửa đô thị hiện đại”
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP và hướng dẫn của Sở TT&TT, việc ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn các quận, huyện thuộc TP đã đạt những hiệu quả tích cực. Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) được quan tâm đào tạo và đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xử lý công việc mà các tổ chức, cá nhân cũng được tiếp cận, ứng dụng CNTT hiệu quả trong thực hiện TTHC.
Điều này có được trước hết nhờ ngay từ bộ phận “một cửa” các cấp được quan tâm đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng những điều kiện cho chuyển đổi số trong giải quyết công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Khảo sát tại quận Nam Từ Liêm, đến nay bộ phận “một cửa” UBND quận và 10/10 phường đều đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị từ máy tính, máy scan, máy in, hệ thống camera giám sát cho tới màn hình phục vụ công dân kê khai, tra cứu TTHC trực tuyến. Đặc biệt, với việc chủ động ứng dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC, Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên và đứng đầu TP trong công tác chứng thực bản sao điện tử. Tính đến cuối tháng 7/2023 tại quận đã có 20.758 công dân đăng ký thành công chữ ký số miễn phí. Quận đang tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình “kiot đăng ký cấp chữ ký số miễn phí cho công dân” trong các ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Thực tế việc cấp bản sao điện tử cho công dân được người dân rất hoan nghênh, ủng hộ và tích cực đăng ký sử dụng. Cùng đó, quận đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lưu từ năm 1958 đến nay với hàng chục vạn bản ghi về khai sinh, khai tử, kết hôn; các dữ liệu số hóa đã được cập nhật vào CSDL của quận, hiện được khai thác hiệu quả trong giải quyết TTHC tại quận và các phường trên địa bàn.
Đáng chú ý, từ tháng 10/2022, UBND quận đã chỉ đạo phường Trung Văn phối hợp các đơn vị thí điểm “Mô hình một cửa đô thị hiện đại”, theo đó thông qua thiết bị CNTT ở từng quầy giao dịch và công nghệ AI tự nhận diện khuôn mặt, trạng thái cá nhân để đánh giá sự hài lòng khi người dân ra về sau khi giải quyết TTHC. Kết quả được lưu trên máy chủ tại đơn vị, làm cơ sở đánh giá hiệu quả công việc của CBCC, đơn vị. Mô hình còn giúp lưu dữ liệu người dân khi kê khai nộp hồ sơ, không phải khai lại thông tin trong những lần giao dịch sau, thông qua máy quét trực tiếp tại BPMC (chỉ cần căn cước công dân để quét, đăng ký giải quyết TTHC). Từ đó, cùng những giải pháp mới, UBND quận đã triển khai “Một cửa đô thị hiện đại” tại phường Mỹ Đình 1 và ra nhiều phường khác.
Trải nghiệm “Một cửa đô thị hiện đại” tại các phường ở Nam Từ Liêm cho thấy nhiều điểm ưu việt, đó là người dân nêu được kiến nghị về giải quyết mọi TTHC tại "một cửa" thông qua máy đánh giá sự hài lòng và gửi đến lãnh đạo phường qua mã QR trên zalo; lãnh đạo nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết những góp ý chính đáng... Mô hình còn giúp UBND phường thông qua phần mềm quản lý giờ làm việc của công chức BPMC để tiếp nhận đánh giá của người dân với từng người, từ đó khen thưởng/kỷ luật kịp thời.
Một ngày cuối tuần, ông Nguyễn Xuân Hòa (tổ 16 phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) đến UBND phường làm thủ tục đất đai rất vui được trải nghiệm “Một cửa đô thị hiện đại”: “Nhiều năm đến đây làm TTHC, tôi thấy mô hình này rất tiện giải quyết hồ sơ, giảm thời gian, công sức, nhất là với người cao tuổi như tôi hoặc công chức bận rộn”. Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 Trịnh Văn Quế cho hay, mô hình này được UBND phường đưa vào áp dụng nhằm đạt mục tiêu “tất cả vì sự hài lòng của người dân”, với kỳ vọng người dân cũng như CBCC phường sẽ thuận lợi sử dụng những ứng dụng công nghệ vào việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, đẩy nhanh hướng tới chính quyền số.
Xác định chuyển đổi số là nền tảng quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan, đơn vị, công cụ chủ lực để “đi tắt đón đầu” trong thời đại CMCN 4.0, nhằm đem lại những lợi ích mới cho Nhân dân trên địa bàn, thông qua những giải pháp quyết liệt, quận Long Biên gần đây cũng đạt nhiều kết quả khả quan trong ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành cũng như giải quyết công việc cho người dân, DN.
Đề án “Ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, hướng tới chuyển đổi số quận Long Biên giai đoạn 2022-2026” đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể là phải tăng cường ứng dụng hiệu quả CNTT trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; giải phóng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động của CBCCVC trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quận. Quận ưu tiên hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT, tiến hành nội dung chính quyền số, trọng tâm là các nền tảng, ứng dụng dùng chung, bước đầu hình thành dữ liệu số tập trung hướng tới triển khai mở rộng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số cho người dân, DN trên địa bàn.
Theo Trưởng Phòng Nội vụ quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng, UBND quận đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ được Bộ Công an, UBND TP giao tại Kế hoạch thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp chính để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, nổi bật là xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT đồng bộ, số hóa và hình thành CSDL dùng chung, kết nối, chia sẻ dữ liệu cho nhiều hệ thống ứng dụng, mà một mục tiêu quan trọng là làm cơ sở cho cải cách TTHC, thay đổi phương thức, mô hình giải quyết TTHC phục vụ tổ chức, công dân nhằm hiện thực hóa quyết tâm cải cách hành chính của các cấp lãnh đạo. Từ đó, nâng cao chỉ số phản ánh sự hài lòng và chỉ số phản ánh sự mong đợi của người dân, tổ chức. Điểm nhấn của giải pháp này là việc ứng dụng mã định danh điện tử, kết nối dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư, số hóa kết quả giải quyết TTHC nhằm đơn giản hóa quy trình, giảm tải giấy tờ, thời gian, chi phí cho tổ chức, công dân khi giải quyết hồ sơ TTHC.
Quận Long Biên cũng đang triển khai những giải pháp quyết liệt huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, trên địa bàn quận đã triển khai thí điểm hệ thống camera giám sát ANTT với kinh phí đầu tư từ nguồn xã hội hóa; kinh phí duy trì đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống do ngân sách quận cấp. Đồng thời, sử dụng công nghệ hiện đại cho phép lưu trữ, giám sát, quản lý thiết bị camera tập trung trên nền tảng điện toán đám mây, hỗ trợ tích hợp nhiều dòng thiết bị camera và dễ dàng tùy biến, nâng cấp, mở rộng hệ thống trong tương lai...
“Làn sóng chuyển đổi số” lan mạnh tới nông thôn
Không chỉ tại những địa bàn trung tâm, cuộc “cách mạng chuyển đổi số” đã lan tới những vùng ven đô, vùng ngoại thành, với một làn sóng không kém phần mạnh mẽ.
Như tại huyện Thường Tín, lãnh đạo UBND huyện thường xuyên chỉ đạo rà soát, bảo dưỡng, bổ sung trang thiết bị tại bộ phận "một cửa" nhằm đáp ứng điều kiện làm việc của CBCC và phục vụ người dân, hướng tới chính quyền số. UBND huyện đã đầu tư nâng cấp, lắp đặt trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” cho 8 xã nông thôn mới nâng cao với tổng kinh phí 2,14 tỷ đồng, gồm những máy móc thiết bị hiện đại như máy cấp số thứ tự màn hình cảm ứng, bàn phím điều khiển quầy, bảng hiện thị và bàn phím đánh giá chất lượng tại quầy, phần mềm đánh giá sự hài lòng, màn hình hiển thị kết quả 65 inch…
Đến bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) để giải quyết TTHC, anh Nguyễn Văn Công, số 70 phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín chia sẻ: "Tôi thỉnh thoảng đến đây giải quyết TTHC về chứng thực, xác nhận hồ sơ phục vụ công việc, thấy bộ phận "một cửa" ngày càng được đầu tư hiện đại, rất thuận tiện cho cho người dân".
Nếu trước kia bộ phận “một cửa” của thị trấn nằm ở địa điểm cũ có máy móc thiết bị đã rất lạc hậu, không đảm bảo để lắp đặt hệ thống phần mềm mới, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thì từ sau khi chuyển về địa điểm mới (giữa năm 2023), toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đã được đầu tư theo đúng mô hình Đề án bộ phận “một cửa” hiện đại của TP, trong đó đầu tư mới máy quét, mua máy tính, máy in, máy photocopy, máy scan, máy lấy số tự động, máy móc phục vụ công dân tra cứu và trang bị cho mỗi CBCC có đủ 1 bộ máy tính, máy in, máy scan...
“Để tạo điều kiện tốt nhất cho CBCC làm việc và nhất là ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi đến giao dịch hành chính, đẩy nhanh chuyển đổi số, UBND thị trấn đã chỉ đạo tiếp nhận, giải quyết TTHC theo đúng quy trình và làm trên môi trường điện tử, đặc biệt ưu tiên những hồ sơ công dân cần lấy kết quả ngay thì giải quyết ngay, như chứng thực hay xác nhận một số thủ tục về tư pháp - hộ tịch... Chúng tôi cũng phối hợp Phòng Nội vụ huyện xây dựng hệ thống mã QR phục vụ người dân tra cứu thông tin TTHC, dán công khai tại các tổ dân phố, qua đó người dân có thể tự nộp hồ sơ hành chính từ nhà. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện việc công dân đến giải quyết TTHC thì quét mã để đánh giá sự hài lòng ngay tại các ô giao dịch”- Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín Lý Thị Thu Hương chia sẻ.
Hiện 100% cán bộ huyện đã được cấp hòm thư điện tử chuyên dụng; 100% phòng, ban, UBND xã, thị trấn, bộ phận “một cửa” đã đăng ký và sử dụng chữ ký số. Việc lấy ý kiến người dân vào các vấn đề quan trọng đều được sử dụng bằng CNTT. Huyện cũng đã tiến hành số hóa, xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử cho các tài liệu, thông tin quản lý, quy trình thủ tục; xây dựng các ứng dụng trực tuyến, áp dụng nguyên tắc không giấy tờ và tự động hóa quy trình thủ công, để tối ưu hóa và hiệu quả công việc.