Hà Nội: Làng nghề chật vật vực dậy sản xuất

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khoảng thời gian “án binh bất động” thực hiện giãn cách xã hội, thời điểm này các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã vực dậy sản xuất, nhưng với một “thể lực yếu ớt”, thiếu thốn đủ bề. Để phát triển trong điều kiện bình thường mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các làng nghề cũng cần chủ động chuyển mình, phát huy nội lực để chiến thắng nghịch cảnh.

Sản xuất cầm chừng
Làng nghề gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) là một trong những làng nghề phát triển sôi động bậc nhất ở Hà Nội. Nơi đây tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Tuy nhiên, từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt khi TP thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động của làng nghề rơi vào trạng thái “đóng băng”. Thời điểm này, làng nghề đã bắt đầu tái sản xuất trở lại, tuy nhiên việc thiếu hụt lao động cũng như đứt gãy chuỗi cung cầu trong một thời gian dài, khiến các cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng – chủ một cơ sở sản xuất tại làng nghề chia sẻ, sau 2 tháng nghỉ giãn cách, hiện nhiều đầu mối nhập nguyên vật liệu bị gián đoạn, một số nguyên liệu nhập khẩu khan hiếm, tăng giá. Tuy nhiên, bài toán khó nhất của làng nghề hiện nay chính là thiếu hụt lao động. Bởi phần lớn lao động của làng nghề đến từ các địa phương lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Trước dịch Covid-19, lực lượng lao động này chủ yếu đi đi về về giữa 2 địa phương. Nhưng hiện nay, thực hiện các quy định phòng chống dịch, lao động ngoại tỉnh vào TP phải xét nghiệm và thực hiện “3 tại chỗ”, nên 80% số lao động ngoại tỉnh chưa quay trở lại làm việc. “Nếu như cùng thời điểm này mọi năm, làng nghề làm ngày làm đêm không hết việc để kịp đơn hàng cuối năm, thì nay chỉ làm việc với 20% công suất” – anh Hùng chia sẻ.
 Người thợ làng nghề sơn mài Hạ Thái
Bài toán thiếu hụt lao động cũng là vấn đề nan giải tại làng nghề mộc Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên). Theo Chủ tịch Hội làng nghề mộc Đại Nghiệp Hoàng Văn Luận, toàn làng nghề có khoảng 200 hộ sản xuất. Cánh thợ của làng nghề chủ yếu ở tỉnh Hà Nam. Nhưng hiện nay tình hình dịch ở Hà Nam đang diễn biến phức tạp nên tất cả số lao động này tạm thời chưa quay trở lại làm việc.
Ông Luận chia sẻ thêm, sau giãn cách, nhu cầu thị trường thu hẹp, khiến thu nhập của người dân giảm đi đáng kể. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc giao thương giữa các tỉnh hạn chế, nên nhiều đơn hàng ngoài tỉnh buộc phải dừng lại. Trong khi đó cước vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tăng mạnh, đã đội thêm chi phí sản xuất. “Điều lo lắng hiện nay là nhiều cơ sở sản xuất của làng nghề vay vốn ngân hàng để đầu tư nhà xưởng đã đến hạn phải trả, nhưng nhiều người chưa biết xoay sở ra sao” – ông Luận chia sẻ.
Tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), công suất làm việc cũng mới đáp ứng 30% so với trước dịch. Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi cho biết, trong bối cảnh đầu ra cho sản phẩm khó khăn thì nhiều loại nguyên liệu tăng giá. Cụ thể như 1 can sơn điều loại 9kg, nhập từ miền Nam trước dịch có giá 350.000 đồng thì nay tăng lên 400.000 đồng; còn các loại gỗ, vỏ trai, vỏ hến… cũng tăng giá 10 – 15%. “Hàng làm ra không bán được, trong khi các cơ sở kiệt quệ sau một thời gian sản xuất đình trệ, do đó việc phục hồi sản xuất như thời điểm trước dịch là bài toán khó”- bà Hồi nhận định.
 Làng nghề sản xuất miến dong Tân Hòa, huyện Quốc Oai
Tăng hỗ trợ, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các làng nghề tập trung kiến nghị tháo gỡ những vấn đề liên quan đến khoản vốn vay, thuê đất và phát triển đầu ra sản phẩm, chuyển hướng kinh doanh. Các hộ kiến nghị ngân hàng cho phép đáo hạn đối với những khoản vay đã đến kỳ hạn trả nợ.
Liên quan tới chính sách hỗ trợ dành cho làng nghề, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để hỗ trợ các cơ sở ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, ngày 9/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP “Về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19”. Nghị quyết đã đề ra 4 nhóm giải pháp nhằm tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số cơ sở phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) Vũ Quốc Tuấn cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN tại làng nghề cần phát huy tính chủ động, linh hoạt chuyển mình để thích nghi với tình hình mới. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các làng nghề phải thực hiện nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh”, hay nói cách khác là “sống chung với dịch”.
Trong tình hình này, đòi hỏi cả làng nghề cũng như mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh phải rất năng động, linh hoạt, tăng khả năng chống chịu và thích ứng, thay đổi tổ chức, cấu trúc sản xuất, mạnh dạn số hóa các mối quan hệ, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Tiếp đến là tiếp cận và khai thác tối đa các nguồn lực. Đó là chính sách do các bộ, ban, ngành đã ban hành về miễn, giảm, giãn hoãn các khoản đóng góp; tăng thêm các khoản trợ giúp...
Một nguồn lực khác cũng rất cần cho làng nghề, đó là ưu đãi về xuất nhập khẩu, về thuế quan trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà nước ta đã ký kết, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường để cơ cấu lại sản xuất. Tập trung nâng cao chất lượng khâu thiết kế. Mở rộng và tăng cường liên kết, liên doanh. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.