Phấn đấu hoàn thành gieo cấy trong tháng 2/2023
Trên cánh đồng thôn Lục Xuân (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ), bà con nông dân nhanh tay làm đất, đổ ải, gieo cấy lúa Xuân. Bà Nguyễn Thị Doanh, nông dân thôn Lục Xuân, cho biết sau kỳ nghỉ Tết đã bắt tay ngay vào gieo mạ. Hiện, ruộng đồng đã có nước, gia đình chỉ chờ máy phay đất để tiến hành đổ ải, gieo cấy lúa Xuân.
Tại xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), không khí sản xuất cũng rất khẩn trương. Chị Phí Thị Kim Nhung, nông dân ở thôn 2, cho biết vụ Xuân này, gia đình gieo cấy 10 sào lúa. Ngoài diện tích của gia đình, chị còn thuê khoán đất nông nghiệp của một số hộ lân cận không canh tác để sản xuất thêm.
Bên cạnh tuyên truyền, vận động nông dân gieo cấy lúa Xuân, chính quyền các địa phương thực hiện hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống lúa theo các dự án hỗ trợ của TP. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trạch Mỹ Lộc Cao Ngọc Hảo cho biết, thời gian qua đã tiến hành hỗ trợ 50% lúa giống chất lượng cao HD11 và LTH31 cho hàng trăm hộ dân trên diện tích 28ha. Ngoài ra, còn cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm để bà con yên tâm sản xuất.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, những năm gần đây, cơ giới hoá được ứng dụng rộng rãi trên những diện tích gieo cấy lúa Xuân. Công nghệ mạ khay - máy cấy cũng được sử dụng phổ biến giúp giảm áp lực về nhân công lao động.
“Năm nay thời tiết thuận lợi nên công tác lấy nước, đổ ải cũng như gieo cấy vụ Xuân trên địa bàn Hà Nội đều đang bảo đảm tiến độ. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nhằm tuyên truyền, vận động bà con tập trung gieo cấy lúa Xuân, phấn đấu hoàn thành trong tháng 2/2023…” - bà Lưu Thị Hằng cho hay.
Không để hoang phí đất nông nghiệp
Vụ Xuân 2023, toàn TP dự kiến gieo cấy hơn 81.000ha lúa. Với sự chủ động, tích cực của ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp và bà con nông dân, đến nay, 90% diện tích lúa Xuân 2023 của Hà Nội đã có nước; tỷ lệ gieo cấy cũng đạt khoảng 75% kế hoạch toàn vụ.
Cùng với tập trung tuyên truyền, vận động bà con cấy hết diện tích, Hà Nội chỉ đạo các sở ngành, địa phương thường xuyên cử cán bộ có mặt trên đồng ruộng, hướng dẫn bà con chăm sóc lúa Xuân. Đặc biệt là giữ ấm cho mạ và bón phân cân đối cho lúa mới cấy trong những ngày giá rét.
Cơ cấu giống lúa cũng được ngành nông nghiệp Hà Nội không ngừng cải tiến. Vụ Xuân 2023, ước tính có hơn 60% diện tích gieo cấy sử dụng các giống lúa mới. Đây được xem là giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm gạo tốt nhất.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thời tiết những ngày tới được dự báo khá thuận lợi cho gieo cấy lúa Xuân. Chính vì vậy, đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục vận động bà con tích cực xuống đồng sản xuất. Trong đó lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện đúng quy định của Luật Trồng trọt, tuyệt đối không để hoang đất nông nghiệp, gây lãng phí tư liệu sản xuất.
Trước nguy cơ có những diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước gieo cấy lúa Xuân, ông Nguyễn Mạnh Phương đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê những diện tích này để triển khai các biện pháp chống hạn kịp thời. Đối với những diện tích thiếu nước gieo cấy lúa, cần chủ động lên phương án để chuyển đổi sang canh tác cây trồng cạn.
Sau khi kết thúc hai đợt lấy nước, hiện vẫn còn hàng trăm héc-ta đất canh tác vụ Xuân 2023 của Hà Nội chưa có nước, phải trông chờ nguồn nước từ sông Hồng. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường phát điện để dâng mực nước sông Hồng lên trung bình từ 1,8 - 1,9m, hỗ trợ công tác chống hạn cho Hà Nội.