Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Mở rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ra ngoại thành

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/10, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai và Thường Tín tổ chức khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn hai huyện.

Theo đó, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Oai được khai trương tại cửa hàng số 545 Quốc lộ 21B (thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa) trưng bày sản phẩm OCOP của huyện như: Bánh cuốn Thanh Lương, Gạo Tam Hưng, giò, chả, rau củ… và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Oai quảng bá đến người tiêu dùng.

Các đại biểu cắt băng khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP  huyện Thanh Oai.
Các đại biểu cắt băng khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP  huyện Thanh Oai.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Thường Tín được khai trương tại HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân) với gần 100 sản phẩm OCOP của 13 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất với các sản phẩm rau củ quả, thịt lợn, sản phẩm qua sơ chế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nhằm giới thiệu quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng, du khách đến với du lịch xã Hồng Vân. Đây cũng là điểm OCOP thứ 2 trên địa bàn huyện Thường Tín.

Để tiếp tục hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn TP trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP huyện Thanh Oai và Thường Tín tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công Thương cùng các Sở, ngành tổ chức. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Thanh Oai, Thường Tín quan tâm, phát triển thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch, làng nghề để quảng bá vùng đất, sản phẩm của các huyện đến đông đảo người tiêu dùng, du khách, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Đồng tình với đề nghị này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, hiện, trên địa bàn huyện Thanh Oai đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng công tác phát triển sản phẩm, phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng như các chương trình xúc tiến thương mại, qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín

Tương tự, Phó Chủ tịch huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, Thường Tín là một trong những địa phương đi đầu TP về số lượng sản phẩm, với 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng….

“Trong thời gian tới, huyện Thường Tín  sẽ tiếp tục kết nối, đưa nhiều sản phẩm OCOP về Điểm giới thiệu và bán sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, sẽ phát triển thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện qua đó tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, thu hút khách du lịch” - ông Bùi Công Thản chia sẻ.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai khai trương các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo kế hoạch trong năm 2022 này, Hà Nội sẽ phát triển 15 - 20 điểm OCOP. Đến nay, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng, trong đó, ngành thực phẩm chiếm 65%, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.