Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Món ngon hấp dẫn từ củ sắn

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vòng quanh các ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội, chúng ta bắt gặp không ít những món ăn từ củ sắn (củ mì). Dù không phải cao lương mỹ vị, những món ăn từ sắn đã trở nên quen thuộc và hấp dẫn với nhiều thực khách.

Chè sắn

Tuy ngày nay có nhiều món ăn ngon, nhưng củ sắn vốn quen thuộc với nhiều người bỗng trở thành đặc sản khi nó được chế biến tinh tế. Món chè sắn là một trong những món ăn được khá nhiều người ưa chuộng.

Sắn luộc lên đã thơm ngon, hấp dẫn các thực khách. Nhưng khi được các bà, các mẹ nấu nước đường hoa mai, thêm chút nước gừng tươi, bột sắn hòa quện với nhau.

Nhìn bát chè sắn đặc sánh, có hương thơm của sắn, mật đường, lạc rang, nước cốt dừa kích thích khứu giác của thực khách. Khi ăn, miếng sắn mềm bở, có thêm vị ngọt dịu của đường, béo của nước cốt dừa. Trong những ngày trời se lạnh, một bát chè sắn nóng cho ta ấm và no bụng.

Hà Nội: Món ngon hấp dẫn từ củ sắn  - Ảnh 1
Chè sắn hấp dẫn khá nhiều người cả về hương thơm và vị ngọt ngào.
Chè sắn hấp dẫn khá nhiều người cả về hương thơm và vị ngọt ngào.

Ở Hà Nội, những quán chè sắn ngon ở Hà Nội thu hút đông khách là chè Cô Huệ - Trần Xuân Soạn; cô Hà - thạch rau câu và chè sắn nóng ở Kim Liên, Lương Định Của (Đống Đa); chè và nước ép trái cây các loại cô Dung (Đống Đa).

Chị Bùi Thị Dung, ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Món chè sắn đã gắn bó với tôi từ ngày còn nhỏ. Mỗi khi trời se lạnh, mẹ tôi lại làm món chè sắn cho các con ăn. Dù là món ăn dân dã, ngày nay có nhiều món ngon nhưng lâu không được ăn chè sắn sẽ thấy nhớ. Bây giờ, thi thoảng tôi lại làm cho con ăn”.

Sắn luộc

Sắn luộc vốn là món ăn dân dã của các gia đình. Với nhiều người, sắn luộc còn là món ăn chống đói những ngày giáp hạt thời bao cấp. Bởi vậy, sắn luộc còn mang cả một trời ký ức và kỷ niệm những năm tháng đã qua. Khi thiếu gạo, nồi sắn luộc nóng hổi, vừa thổi, vừa ăn, ngồi quây quần bên bếp lửa hồng đó là niềm hạnh phúc của bao người.

Ngày nay, khi đời sống của các gia đình được nâng lên. Sắn không phải ăn thay cơm mà sắn luộc chỉ là món ăn hương hoa. Ở nhiều góc phố, con ngõ của Hà Nội, từ sáng đến tốt đêm đều có người bán sắn luộc. Có người ngồi lặng lẽ trong góc chợ, cuối ngõ. Đêm đến, ở đâu đó cất lên những tiếng rao thân thuộc “Ai ngô khoai, sắn luộc đây!!!”.

Sắn luộc có ở nhiều góc chợ, con ngõ của Hà Nội.
Sắn luộc có ở nhiều góc chợ, con ngõ của Hà Nội.
Hà Nội: Món ngon hấp dẫn từ củ sắn  - Ảnh 2

Chị Phạm Thị Hạnh đã nhiều năm bán sắn trong con ngõ nhỏ phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, cho hay: “Sáng nào tôi cũng bán sắn, ngô, khoai luộc. Mọi người ăn sắn của tôi quen rồi nên không cần rao. Sắn luộc bở, thơm, bùi. Nhiều người ăn một lần thấy ngon họ quay lại mua lần sau. Tôi rất vui vì được phục vụ các “thượng đế”. Mỗi ngày tôi cũng bán vài cân sắn luộc, cùng với khoai, ngô…”.

Xôi sắn

Cũng từ củ sắn nhưng khá hấp dẫn với mọi người đó là món xôi nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng với sắn. Gạo mới được đồ lên thơm phức. Hấp bên trên là những củ sắn đã được gọt sạch vỏ, ngâm nước muối cho sạch nhựa. Khi mở nồi xôi, xôi nếp cái thơm nức, đánh đều với sắn bở tơi, lược bỏ sơ.

Ngày nay, nhiều hàng xôi sắn của Hà Nội đồ riêng xôi và sắn. Sau khi xôi và sắn đã chín, người ta mới cạo sắn nhỏ tơi và đảo đều với xôi. Dù làm cách nào thì khi ăn xôi và sắn đều quện với nhau. Những hạt xôi chín căng mọng, quện với bột sắn trắng ngần.

Bà Kim hàng ngày bán xôi sắn ở đầu ngõ 38 Ngô Sỹ Liên khá đông khách ăn.
Bà Kim hàng ngày bán xôi sắn ở đầu ngõ 38 Ngô Sỹ Liên khá đông khách ăn.
Xôi sắn ăn với thịt bằm.
Xôi sắn ăn với thịt bằm.

Khi xới ra bát, rưới thêm một chút hành lá phi thơm với mỡ phần, hoặc thịt lợn vai bằm rim với hành hoa; hoặc chả lụa ước lễ. Xôi sắn đã trở thành một phần của ký ức của bao người. Nhìn bát xôi sắn nóng hổi, thơm nức, những ký ức một thời lại ùa về.

Khi ăn với thịt rim, chả lụa cho ta thấy rõ sự dẻo ngon, bùi của xôi và sắn, với béo ngậy của thịt, chả. Ăn một lần sẽ để nhớ cho những lần sau. Xôi sắn ngon và đông khách nhất ở Hà Nội phải kể đến quán xôi của bà Kim ở 38 Ngô Sĩ Liên; bà Thu, phố Thợ Nhuộm; bà Thìn ở Bát Đàn…