Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nâng cao năng suất,chất lượng giống vật nuôi

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển sản xuất giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa), thủy sản tại các vùng trọng điểm trên địa bàn TP.

Không chỉ đưa nhiều giống mới chất lượng cao vào sản xuất, Hà Nội còn hướng tới trở thành trung tâm cung cấp giống cho cả nước.

Hiệu quả kinh tế cao

Ông Trần Văn Quý ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình ông đang chăn nuôi hơn 30 con bò sữa, trong đó có 17 - 20 con cho thu hoạch sữa thường xuyên. Sữa được bán cho công ty liên kết chuỗi với giá bình quân 11.000 - 14.000 đồng/lít. Trang trại của gia đình ông Quý đạt doanh thu trung bình từ 500 – 600 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 4 lao động địa phương.

Cá thể bò giành giải Đặc biệt tại Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP Hà Nội năm 2022. Ảnh: Ngọc Ánh
Cá thể bò giành giải Đặc biệt tại Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP Hà Nội năm 2022. Ảnh: Ngọc Ánh

Còn hộ ông Đặng Đình Hậu, ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) đang nuôi tổng đàn 100 con bò thịt giống BBB. Đây là giống bò cho năng suất, chất lượng cao, doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, thu lãi 350 triệu đồng/năm. “Nếu như trước đây, chăn nuôi bò thịt truyền thống chỉ thu lãi 5 - 6 triệu đồng/con/năm thì các giống bò lai đang cho lãi 8 -10 triệu đồng/con” – ông Đặng Đình Hậu phấn khởi cho hay.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Hà Nội cũng thu được những kết quả tích cực. Với diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24.200ha, Hà Nội đã phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tổng quy mô của các vùng khoảng 100ha, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì… Đáng chú ý, TP có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hoàng Kim Vũ cho biết, Trung tâm được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn cho 7.500 tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò, nuôi trồng thủy sản về công tác giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng... trong sản xuất chăn nuôi bò và thủy sản.

Cùng với đó, tổ chức đào tạo mới cho 30 dẫn tinh viên cơ sở cho người lao động có trình độ trung cấp chăn nuôi thú y hoặc thú y về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò gồm cả lý thuyết và thực hành. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ hành nghề để thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao kỹ thuật cho 360 kỹ thuật viên về công tác quản lý, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; học lý thuyết gắn với tham quan thực tế tại mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tiêu biểu trên địa bàn TP.

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 4 đoàn cho 80 người là cán bộ TP quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi bò, nuôi trồng thủy sản tiêu biểu đi công tác, học tập trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương điển hình trên cả nước về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đáng chú ý, Trung tâm tham mưu Sở NN&PTNT và TP tổ chức thành công Hội thi Kiến thức chăn nuôi bò hướng thịt và cá thể bò đẹp TP Hà Nội năm 2022. Thông qua hội thi, các sản phẩm giống bò thịt chất lượng cao, cũng như các xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm của TP đã được giới thiệu đến người chăn nuôi cả nước, qua đó gián tiếp thúc đẩy hình thành chuỗi, phát triển thương hiệu và gia tăng hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn TP.…

Hướng tới trung tâm sản xuất giống vật nuôi của cả nước

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, ngành nông nghiệp Thủ đô đã và đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Sau hơn 2 năm triển khai, đã từng bước góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp Hà Nội nói chung và chăn nuôi Hà Nội nói riêng.

Cụ thể, đối với chăn nuôi bò sinh sản, khối lượng bò cái tăng lên rõ rệt, tương đương với giá trị kinh tế tăng thêm từ 2 - 3 triệu đồng/con/năm; đàn bê sinh ra 50.000 con mỗi năm giúp giá trị tăng thêm hàng chục tỷ đồng. Đối với chăn nuôi bò thịt xuất chuồng (24 tháng tuổi), khối lượng tăng thêm 15%, với giá hiện tại thì tăng thêm từ 2 - 3 triệu đồng/con, tương đương tổng giá trị kinh tế tăng thêm trên 100 tỷ đồng.

Đối với chăn nuôi bò sữa, sản lượng sữa tăng thêm 10%/con/chu kỳ so với hiện nay (tăng 500kg sữa/con/chu kỳ), với giá hiện tại thì tăng thêm 6,5 triệu đồng/con/chu kỳ. Tổng giá trị tăng thêm đối với đàn bò khai thác sữa đạt trên 60 tỷ đồng. Đối với thủy sản, năng suất vùng nuôi trồng thủy sản tập trung từ 10 - 12 tấn/ha tăng lên 16 - 18 tấn/ha, với giá trị hiện nay tăng 200 - 300 triệu đồng/ha, tổng 100ha tăng thêm từ 20 – 30 tỷ đồng.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc triển khai kế hoạch nói trên còn giúp nâng cao trình độ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ thú y tại cơ sở. Đồng thời, cung cấp sản phẩm chăn nuôi, thủy sản an toàn được kiểm soát cho người tiêu dùng; tận dụng được diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi.