Thực hiện Công văn số 1661-CV/BTCTƯ ngày 10/9/2021 của Ban Tổ chức T.Ư về việc xây dựng báo cáo chuyên đề phục vụ Đề án “Về xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên”, sáng 5/11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong điều kiện xây dựng chính quyền đô thị”.
Tham dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hoàng Đăng Quang - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.
Quang cảnh hội thảo |
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong những năm gần đây, TP Hà Nội đang thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng yêu mở rộng của Thủ đô (đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 97/2019/QH14, ngày 1/7/2021). Theo đó, Hà Nội thực hiện thí điểm bỏ HĐND cấp phường; đồng thời, sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ, công chức ở các phường một cách khoa học hơn, phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn. Do đó, việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội lại càng được các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt coi trọng.
Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần bổ sung lý luận, thực tiễn và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong điều kiện xây dựng chính quyền đô thị. Đồng thời, là cơ sở giúp Ban Tổ chức T.Ư - cơ quan chủ trì xây dựng Đề án tổng hợp, tham mưu xây dựng Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” có chất lượng trình Hội nghị T.Ư 5.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2020, Đảng bộ TP Hà Nội có 50 đảng bộ trực thuộc với 2.316 tổ chức cơ sở Đảng, 176 đảng bộ bộ phận, 17.225 chi bộ trực thuộc và 457.397 đảng viên. Trong đó, nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Về nhiệm vụ, giải pháp đột phá xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong điều kiện xây dựng chính quyền đô thị thời gian tới, Đảng bộ TP Hà Nội tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chương trình số 01-Ctr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”.
Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hoàng Đăng Quang phát biểu tại hội thảo |
Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, xây dựng Đảng bộ thành phố thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu. Thứ hai là nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Thứ ba là đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đáp ứng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Hội thảo đã được nghe 10 ý kiến tham luận của đại diện các quận, huyện, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong điều kiện xây dựng chính quyền đô thị. Các đại biểu cũng nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của Thành ủy Hà Nội với T.Ư về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hoàng Đăng Quang cho biết, đây là hội thảo đầu tiên mở đầu trong cả nước để chuẩn bị đề án của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII sắp tới, thông qua Nghị quyết về công tác tổ chức xây dựng Đảng và đảng viên. Hội thảo của Hà Nội tổ chức nghiêm túc, chất lượng; 10 ý kiến phát biểu tại hội thảo đã cung cấp thêm những kiến thức từ thực tiễn phong phú, sinh động.
“Báo cáo tại hội thảo của Thành ủy Hà Nội đã phân tích đầy đủ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, làm rõ sự cần thiết những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện. Tôi đánh giá cao, đồng tình và ghi nhận những kết quả đạt được; đặc biệt là những cách làm sáng tạo, hiệu quả của TP Hà Nội...” - Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tổng kết, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, các ý kiến tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ hơn về lý luận và thực tiễn, tính khoa học và những bài học kinh nghiệm có được về công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên nói chung, ở Đảng bộ TP Hà Nội nói riêng. Các ý kiến tâm huyết của các đại biểu có trọng tâm, trọng điểm, nhất là về nội dung đánh giá, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá và những kiến nghị, đề xuất.
Các ý kiến tập trung đề xuất các giải pháp xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong điều kiện TP Hà Nội đang thực hiện các giải pháp xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, nền công vụ chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có năng lực kiến tạo phát triển, phục vụ Nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị, sau Hội thảo, Ban Tổ chức Thành ủy nghiên cứu, lựa chọn tiếp thu tối đa, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Chuyên đề, gửi Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên”.