Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nên tiên phong đặt chuẩn mực cho “Thành phố tương lai”

Ngọc Lâm thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưởng Văn phòng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Takeo Nakajima kỳ vọng TP Hà Nội sẽ tiên phong trong việc đặt ra chuẩn mực cho một “Thành phố tương lai” tại Việt Nam.

 Trưởng Văn phòng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Takeo Nakajima
Ngày 27/6, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Ông nhìn nhận thế nào về sự kiện này, cũng như nỗ lực của chính quyền TP trong việc cải thiện môi trường kinh doanh?
- Với mức thu nhập đầu người cao nhất cả nước, TP Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh hiện là hai điểm đến hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm cả Nhật Bản. Chúng tôi rất mong qua sự kiện này, có thể nắm rõ hơn về kế hoạch của lãnh đạo TP Hà Nội trong nỗ lực thúc đẩy kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, cũng như cách mà TP điều chỉnh để thích ứng với giai đoạn bình thường mới sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ là TP tiên phong trong việc đặt ra chuẩn mực cho “Thành phố của tương lai” tại Việt Nam. Theo đó, Hà Nội trong tương lai sẽ trở thành một TP cởi mở, đa văn hóa, an toàn, sáng tạo với môi trường đầu tư thân thiện.
Ông có kiến nghị gì đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là khi các nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đang có các bước đi nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc?
- Về ngắn hạn, việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế nội địa là cơ sở quan trọng nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng như cầu, đường cao tốc, bệnh viện… Ngoài ra, nhà chức trách cũng cần có biện pháp để phục hồi thị trường tiêu dùng, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Hiện, đã có một số giải pháp được Chính phủ Việt Nam triển khai để giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch, ví dụ như hỗ trợ tài chính cho người dân, giảm, miễn các loại thuế và phí… Ngoài ra, Chính phủ có thể lưu ý việc cho phép người nước ngoài quay trở lại Việt Nam. Chúng tôi rất cảm kích trước sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam trong việc đưa người Nhật quay trở lại Việt Nam làm việc, dù trong bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn.
Về lâu dài, Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo TP Hà Nội cần làm rõ mục tiêu, kỳ vọng mà các bạn muốn hướng tới trong tương lai.
 Phối cảnh Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh.
Việt Nam có thể phần nào thay thế Trung Quốc, nhưng không nên hướng tới mục tiêu trở thành “một quốc gia sản xuất giá rẻ hơn”. TP Hà Nội hiện đang có chi phí sinh hoạt và sản xuất nằm trong mức cao nhất cả nước. Với quan điểm của tôi, động lực tăng trưởng kinh tế tiếp theo của Việt Nam nên là ngành CNTT, phát triển robot, thiết kế phần mềm, vật liệu mới, giáo dục và y tế. Đây sẽ là những hướng đi quan trọng giúp định hình xu thế phát triển của Việt Nam trong 5 năm sau và xa hơn.
Trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã công bố chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 2,2 tỷ USD khuyến khích các DN nội địa dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam trong việc trở thành một điểm đến đầu tư thay thế cho DN Nhật từ Trung Quốc?
- Trước hết, cần phải nói chương trình này không nhắm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào. Việc các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 là bởi thực tế tập trung cao các cơ sở sản xuất ở một khu vực cụ thể. Do đó, chính sách này sẽ khuyến khích các công ty Nhật tăng cường sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Thông điệp chính mà Chính phủ Nhật đưa ra là cần đa dạng hóa và tối ưu hóa, chứ không phải chuyển hướng đầu tư từ nước A đến nước B.
Tuy nhiên, cũng theo một khảo sát của JETRO vào cuối năm ngoái, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách các nước mà DN Nhật muốn mở rộng kinh doanh. 41% số DN tham gia khảo sát đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Họ đánh giá cao quy mô thị trường, sự thân thiện đối với người Nhật và cả chất lượng nguồn nhân lực. Nhật Bản, tuy nhiên, hiện đang phải đối mặt với hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19 và do đó chưa thể nghĩ đến việc chuyển hướng đầu tư quy mô lớn vào lúc này.
Dẫu vậy, tôi cho rằng các hoạt động kinh doanh của Nhật Bản ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ giảm dần về quy mô.
Việt Nam hiện đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và đang thúc đẩy phục hồi kinh tế, ông đánh giá thế nào về lợi thế của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI, cũng như các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt?
- Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Bước đầu tiên là bình thường hóa mọi hoạt động xã hội đã thành công. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy một kịch bản cụ thể để thúc đẩy hoạt động phục hồi kinh tế. Rõ ràng, việc đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển sẽ rất khác với việc kiểm soát Covid-19.
Về ngắn hạn, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, điều này thể hiện ở việc GDP của Việt Nam trong quý I chỉ tăng 3,8%, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Các động lực tăng trưởng của Việt Nam bao gồm FDI, thương mại quốc tế, sản xuất công nghiệp, IT, du lịch và tiêu dùng... Phần lớn trong số đó sẽ cần Chính phủ nối lại hoạt động thông thương và đi lại xuyên biên giới.
Hiện các hoạt động sản xuất trong nước vẫn duy trì ở mức tốt, nhưng Việt Nam chưa thể tiếp cận trở lại các thị trường nước ngoài. Và với độ mở nền kinh tế cao, Việt Nam không thể tự mình phục hồi nền kinh tế. 71% DN Nhật đánh giá các hiệu ứng tiêu cực của Covid-19 sẽ còn kéo dài tới hết 2020, dẫn đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam có thể chậm lại khi các nguồn FDI chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn chưa thể phục hồi trở lại. Lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút FDI là sự lãnh đạo hiệu quả và ổn định ở cấp T.Ư và địa phương.
Nguồn nhân lực, các Hiện định Thương mại tự do chiến lược, hạ tầng IT, khả năng ngoại ngữ. Và lợi thế cạnh tranh về chi phí cũng là điểm mạnh của Việt Nam. 
Xin cảm ơn ông!