Giao dịch trực tiếp, đến ngân hàng bằng cách nào?Phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều giao dịch ngân hàng phải thực hiện trực tiếp tại các Chi nhánh, Phòng giao dịch. Với các giao dịch này, ngân hàng cũng đã lên phương án.
Tại VPBank, ngân hàng này có dịch vụ đặt lịch online. Theo đó, khách hàng booking xong, ngân hàng sẽ có mã gửi về SMS điện thoại. Khi ra đường, khách có thể trình mã đó để chứng minh việc bản thân đi giao dịch với ngân hàng.
Theo đại diện VPBank, dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, trong đó có hoạt động của ngân hàng và các khách hàng. Nhận thức rõ vai trò là ngành dịch vụ thiết yếu, nên bên cạnh việc nỗ lực duy trì hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch, thì VPBank còn tăng cường số hóa với hầu hết các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. “Việc số hoá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng vừa góp phần duy trì hoạt động thông suốt của ngân hàng, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến khách hàng, vừa giúp hạn chế dịch bệnh lây lan do tiếp xúc đông người. Tuy vậy, chúng tôi biết vẫn có nhiều dịch vụ buộc phải thực hiện xác thực thông tin tại quầy theo quy định chung, do đó ngân hàng đã đưa vào hoạt động dịch vụ Booking Online”, đại diện VPBank chia sẻ.
|
Theo đại diện VPBank, nhiều dịch vụ buộc phải thực hiện xác thực thông tin tại quầy theo quy định, do đó, ngân hàng đã đưa vào hoạt động dịch vụ Booking Online |
Thực tế, trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội, nhiều giao dịch ngân hàng, trong đó có hoạt động tín dụng gặp khó khăn để giải bài toàn làm thế nào để có thể tiếp xúc, thẩm định khách hàng cũng như ký kết các văn kiện tín dụng, văn kiện tài sản đảm bảo. Nếu như trước đây, các giao dịch này phải thực hiện trực tiếp thì trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhiều ngân hàng đã có các giải pháp tăng cường giao dịch online để chuyển từ tiếp xúc trực tiếp sang nhận hồ sơ điện tử.
MB là một ví dụ. Để hỗ trợ cho khách hàng và duy trì dòng tín dụng trong bối cảnh giãn cách, MB đã thực hiện thỏa thuận với khách hàng, thực hiện chuyển dịch từ tiếp xúc trực tiếp sang nhận hồ sơ thông qua các kênh giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, MB cũng nâng cấp hai nền tảng dành cho khách hàng là App MBBank (đối với khách hàng cá nhân) và Biz MBBank (đối với khách hàng doanh nghiệp) để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn tín dụng từ Ngân hàng trên hai nền tảng online này. “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với nhiều khách hàng để đưa công nghệ thanh toán vào các hoạt động nghiệp vụ. Trên các nền tảng App MBBank và Biz MBBank, chúng tôi đang và sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán thu mua lúa gạo trực tuyến, đảm bảo hạn chế việc tiếp xúc giữa ngân hàng với khách hàng và giữa khách hàng với ngân hàng. Giải pháp này hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng trong bối cảnh xã hội phải thực hiện giãn cách trên diện rộng như hiện nay”- đại diện MB cho hay.
Đi làm 30% quân sốCăn cứ công văn số 1904/HAN của NHNN Chi nhánh TP Hà Nội ngày 5/9 gửi Công an TP đề nghị cơ quan này chấp thuận cho nhân viên, người lao động của các TCTD được sử dụng giấy đi đường đã cấp trước đây cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy theo quy định mới, ngay trong tối 5/9, một số ngân hàng đã thông báo các phương án tạm thời trong ngày 6/9- ngày đầu Hà Nội áp dụng chỉ thị 20 về Giấy đi đường.
|
Khách hàng giao dịch tại VietABank ngày 6/9 |
Cụ thể, tại VietABank, ngày 6/9, cán bộ nhân viên tại khu vực Hà Nội sẽ thực hiện như sau: Các cán bộ nhân viên cư trú và làm việc cùng 1 vùng đi làm bình thường và tạm sử dụng giấy đi đường cũ đã sẵn có.
Các cán bộ nhân viên nơi cư trú và địa điểm làm việc không cùng 1 vùng sẽ tạm thời làm việc ở nhà trong 2 ngày 6/9 và 7/9. “Ngân hàng sẽ theo sát công tác xin cấp giấy đi đường và thông tin sớm nhất đến cán bộ, nhân viên”- thông báo của ngân hàng này cho biết.
Về số lượng cán bộ ngân hàng làm việc trực tiếp tại Trụ sở, Chi nhánh, Phòng giao dịch, tại công văn số 1883/HAN-TTGS2 ngày 4/9/2021 của NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, về việc cấp giấy đi đường cho các TCTD trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ nhân viên, người lao động được cử đi làm không vượt quá 30% tổng số nhân viên, người lao động đang làm việc tại từng đơn vị (được hưởng lương từ 6 tháng trở lên).
Văn bản này của NHNN cũng lưu ý, giấy đi đường chỉ sử dung cho Vùng 1 (theo quy định tại Chỉ thị 20). Người Vùng 1 sẽ không được ra vào Vùng 2. Do vậy, các TCTD lưu ý không cử nhân viên, người lao động làm việc tại Vùng 1 nhưng cư trú tại Vùng 2, Vùng 3 (trừ trường hợp thực hiện phương án làm việc “3 tại chỗ”).
Thực hiện công văn này, tại VPBank, số lượng cán bộ nhân viên đi làm trong ngày 6/9 và thời gian giãn cách theo quy định tối đa là 30%. Giấy đi đường theo quy định của Công an TP.