Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nghèo nàn sản phẩm xuất khẩu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã đầu tư phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhưng lượng nông sản xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn. Thực tế này đòi hỏi TP cần đổi mới các giải pháp hỗ trợ DN, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

Trong những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Vùng sản xuất rau an toàn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc
Vùng sản xuất rau an toàn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc

Đến nay, trên địa bàn TP đã hình thành 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung. Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương có tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực

Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu sang Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) xuất khẩu sang Đức; rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,75 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%. Đa số DN xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và các tỉnh nhằm thu mua nguyên liệu để đóng gói, xuất khẩu.

Vùng sản xuất lúa hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc
Vùng sản xuất lúa hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc

Để phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300ha; trong đó gồm 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu.

Những con số trên cho thấy, xuất khẩu nông sản của Hà Nội là chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do số lượng sản phẩm được xuất khẩu còn ít ỏi; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Trong khi đó, các cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản đa phần là cơ sở vừa và nhỏ, sản lượng cung cấp ít, chưa ổn định, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thay đổi cách làm, phương thức hỗ trợ

Nhiều chuyên gia nhận định, Hà Nội rất có tiềm năng trong xuất khẩu nông sản nhưng để mở rộng thị trường xuất khẩu, Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ DN, hợp tác xã về ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ; phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hà Nội có nhiều vùng trồng bưởi theo hướng an toàn, hữu cơ những chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh minh họa
Hà Nội có nhiều vùng trồng bưởi theo hướng an toàn, hữu cơ những chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh minh họa

Đề cập về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong năm 2023, ông Đào Văn Cường - Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo, Hà Nội cần nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký DN xuất khẩu theo quy định từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng hơn nữa.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Phát triển thông tin nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thế Anh, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, Hà Nội cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thực hiện hoạt động hỗ trợ DN tham dự hội chợ, triển lãm tại các nước trong khu vực; quan tâm đàm phán, tháo gỡ khó khăn để DN xuất khẩu dễ dàng tiếp cận thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để hỗ trợ các DN, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về những quy định bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài…

Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước...

Nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu, TP tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường giải pháp kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội. Cùng với đó, tăng cường thông tin về tiềm năng thị trường, hướng dẫn đăng ký mã số vùng sản xuất; quy định kiểm dịch, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

 

Ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất TP điều chỉnh, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn