Hà Nội: Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước gieo cấy vụ Xuân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa, Hà Nội sẽ bước vào đợt chống hạn đầu tiên phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023. Mực nước sông Hồng ngày một hạ thấp, trong khi hệ thống các công trình thuỷ lợi ngày một xuống cấp đang trở thành thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp.

Lượng mưa ít, dòng chảy thiếu hụt

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân 2023 trên địa bàn vào khoảng 101.700ha; trong đó, riêng diện tích canh tác lúa dự kiến hơn 81.000ha; còn lại là ngô, lạc, đậu tương, hoa - cây cảnh, rau củ quả các loại…

Trong những năm gần đây, công tác chống hạn vụ Xuân của Hà Nội phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ hệ thống sông, nhất là sông Đà và sông Hồng. Bên cạnh đó là nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn TP và lượng nước mưa trong năm.

Một số hạng mục tại trạm bơm dã chiến Bá Giang hiện đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Một số hạng mục tại trạm bơm dã chiến Bá Giang hiện đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Mặc dù vậy, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia mới đây nhận định, tại khu vực Bắc Bộ, từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 phổ biến ít mưa; tổng lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15mm. Mực nước trên các sông suối ở các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ được dự báo biến đổi chậm và xuống dần.

Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên hầu hết lưu vực sông sẽ bị thiếu hụt. Cụ thể, lưu vực sông Đà thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15% - 35%, trong đó, bị thiếu hụt nhiều nhất là tại khu vực hồ Sơn La và hồ Hoà Bình. Trong khi hạ lưu sông Hồng cũng sẽ thiếu hụt từ 20% - 40% nguồn nước so với trung bình nhiều năm.

Số liệu quan trắc của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ ra, hiện nay, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn TP đã cơ bản tích đầy nước. Mặc dù vậy, vẫn còn một số hồ chứa trên địa bàn huyện Sóc Sơn như: hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, dung tích trữ hiện ở mức thấp. Công tác chống hạn tại những khu vực hạn chế về nguồn nước cấp từ các hồ chứa thuỷ lợi được dự báo gặp nhiều khó khăn.

Công trình lấy nước bị hư hỏng, xuống cấp

Theo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, toàn TP hiện có tổng số 1.264 trạm bơm tưới; 329 trạm bơm tưới tiêu kết hợp và 359 trạm bơm dã chiến phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023. Mặc dù vậy, nhiều trạm bơm hiện nay đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Điển hình là trạm bơm dã chiến Bá Giang (huyện Hoài Đức), được lắp đặt khẩn cấp vào năm 2009. Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường cho biết, trong bối cảnh trạm bơm Đan Hoài không thể phát huy hiệu năng do mực nước sông Hồng ngày một hạ thấp, việc cấp nước cho khoảng 10.000ha canh tác thuộc các quận, huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm… vẫn phụ thuộc chủ yếu vào trạm bơm dã chiến Bá Giang.

Công nhân kiểm tra hệ thống máy móc tại trạm bơm dã chiến Ấp Bắc.
Công nhân kiểm tra hệ thống máy móc tại trạm bơm dã chiến Ấp Bắc.

Mặc dù vậy, trạm bơm dã chiến Bá Giang với 25 tổ máy thường xuyên vận hành tối đa công suất, ở mức nước thấp dưới mực nước thiết kế trong thời gian đến nay đã hơn 10 năm khiến động cơ các tổ máy ngày một lão hoá. Bi bơm dơ dão; cánh quạt bị xâm thực hư mòn; ống bơm trong tình trạng mọt thủng… Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực vận hành cấp nước cho sản xuất vụ Xuân 2023. 

 

Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Xuân 2023 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ tổng cộng là 12 ngày. Cụ thể, Đợt 1: 4 ngày, từ 0 giờ ngày 6/1 đến 24 giờ ngày 9/1/2023; Đợt 2: 8 ngày, từ 0 giờ ngày 1/2 đến 24 giờ ngày 8/2/2023.

Cùng với trạm bơm dã chiến Bá Giang, ghi nhận thực tế cho thấy nhiều công trình lấy nước chính dọc sông Đà, sông Hồng cũng đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Trong số này phải kể tới trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây); trạm bơm Sơn Đà, trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì); trạm bơm dã chiến Ấp Bắc (huyện Đông Anh)…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du, để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ Xuân 2023, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành Phương án số 105/PA-SNN nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước trong những tháng tới. Sở cũng đã bố trí 30 tỷ đồng để sửa chữa 72 công trình chống hạn.

Dù vậy, công tác cấp nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023 được nhận định sẽ còn không ít khó khăn trên cơ sở dự báo nguồn nước và hiện trạng của các công trình thuỷ lợi. Nếu không kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách, bao gồm cả nâng cấp năng lực vận hành cho công trình chống hạn, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sản xuất vụ Xuân 2023 là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cần được tiếp tục quan tâm, đầu tư

Từ những năm 2004 đến nay, do mực nước sông Hồng vào mùa khô (các tháng 12 và tháng 1, tháng 2 của năm kế tiếp) thường xuyên xuống thấp, khiến các công trình thuỷ lợi không thể vận hành. Đứng trước tình trạng trên, trong những năm qua, UBND TP Hà Nội đã quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm bơm, bảo đảm có thể vận hành khi mực nước sông Hồng xuống thấp như trạm bơm: Trung Hà, Đan Hoài, Hồng Vân, Thụy Phú II, Thanh Điềm…

UBND TP Hà Nội cũng đã cho đầu tư, lắp đặt các trạm bơm dã chiến như trạm bơm dã chiến: Phù Sa, Bá Giang, Ấp Bắc, Quang Lãng... Trong các năm vừa qua, khi các hồ thủy điện không xả nước, các trạm bơm dã chiến đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác bơm nước phục vụ đổ ải và tưới dưỡng cho lúa vụ Xuân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác chuẩn bị chống hạn vụ Xuân 2023.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác chuẩn bị chống hạn vụ Xuân 2023.

Ngoài ra, TP Hà Nội còn đầu tư xây dựng các trạm bơm lấy nước sông Đáy để thay thế nguồn nước từ sông Nhuệ như trạm bơm: Cao Xuân Dương, Cao Bộ, (huyện Thanh Oai); Thái Bình, Xóm Cát (huyện Ứng Hoà). Mặc dù vậy, trong bối cảnh mực mước sông Hồng thường xuyên xuống thấp vào mùa khô, việc tiếp tục nâng cấp và dần thay thế các trạm bơm dã chiến là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện, thị xã rà soát kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2023 trên cơ sở bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước. Chỉ đạo khắc phục tập quán gieo cấy muộn ở một số địa phương; xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp.

Các doanh nghiệp thuỷ lợi cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp công trình, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương. Sửa chữa các cống lấy nước, thiết bị trạm bơm tưới, đảm bảo công trình sẵn sàng vận hành. Lắp đặt trạm bơm dã chiến, hoàn thành trong tháng 12/2022.

Thời gian tới, các địa phương, đơn vị có liên quan cần theo dõi chặt chẽ thông tin về nguồn nước do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hà Nội cung cấp để chủ động chỉ đạo điều hành công tác lấy nước. Tranh thủ mực nước hiện tại cho phép, vận hành các trạm bơm để lấy nước sớm, trữ nước vào các khu trũng và hệ thống kênh mương phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2023. 

 

Hai dự án thuỷ lợi lớn đang tích cực được triển khai

Hiện nay, dự án Nâng cấp trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư; dự kiến triển khai trong năm 2023. Trong khi đó, dự án Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) nằm trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Hà Nội, hiện đang được TP giao cho Sở NN&PTNT chủ trì lập báo cáo nghiên cứu khả thi.