Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: nhân rộng mô hình cấy máy, giải phóng sức lao động cho nông dân

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, mô hình mạ khay, máy cấy ngày càng trở nên phổ biến trong sản xuất lúa tại Hà Nội. Phương thức cơ giới hoá góp phần nâng cao năng suất lúa, giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Mạ khay, máy cấy ngày một phổ biến

Xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) là địa phương thuần nông. Đây được xem là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa.

Chị Nguyễn Thị Tuyển, đại diện Hợp tác xã Phú Phong (xã Nam Phong) cho biết, từ năm 2011, đơn vị đã mua 3 máy cấy để phục vụ bà con nông dân. Đến năm 2017, trên địa bàn xã đã không còn diện tích cấy lúa bằng tay.

“Ưu điểm của phương thức mạ khay, máy cấy là canh tác lúa nhàn nhã hơn, chi phí sản xuất thấp cũng hơn cấy lúa bằng tay, trong khi năng suất lúa lại cao hơn từ 10 - 15%…” - chị Tuyển chia sẻ thêm. 

Gieo cấy lúa bằng mạ khay, máy cấy tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên).
Gieo cấy lúa bằng mạ khay, máy cấy tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên).

Tại huyện Ứng Hoà, mô hình mạ kháy, máy cấy cũng được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tiến (huyện Ứng Hoà) Nguyễn Văn Đại cho biết, năm 2019, đơn vị huy động vốn các thành viên để mua 4 máy cấy.

Theo ông Đại, hiện nay diện tích cấy máy trên địa bàn xã Đồng Tiến mới đạt khoảng 25%, nhưng tỷ lệ này đang ngày một cao hơn. Bà con nông dân địa phương cũng ngày càng nhận thức được hiệu quả từ việc áp dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trong vụ Xuân 2024, diện tích gieo cấy lúa áp dụng mạ khay, máy cấy trên địa bàn TP đạt khoảng 14%. Con số này vẫn còn khiêm tốn, nhưng là sự chuyển biến tích cực nếu biết rằng, từ năm 2024 trở về trước, phương thức canh tác mạ khay, máy cấy chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích gieo cấy lúa của toàn TP.

Thêm chính sách hỗ trợ nông dân

Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng (huyện Ứng Hoà) Nguyễn Văn Vỹ, việc áp dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa mang lại nhiều giá trị. Không chỉ góp phần nâng cao năng suất lúa từ 10 - 15% mà còn giúp giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. 

 

“Hiện nay, Hà Nội đã có cơ chế hỗ trợ mua máy cấy, tuy nhiên, khâu làm mạ khay thì chưa có hỗ trợ. Đây là công đoạn cũng rất tốn kém chi phí đầu tư sản xuất. Do đó, kiến nghị các sở ngành, địa phương kiến nghị TP hoặc có chính sách hỗ trợ thêm cho người nông dân…” - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tiến (huyện Ứng Hoà) Nguyễn Văn Đại.

Dù vậy, cùng với các yếu tố khách quan về địa hình đồng ruộng, chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị cao và yêu cầu kỹ thuật của người vận hành là những rào cản khiến phương thức mạ khay, máy cấy chưa được ứng dụng thực sự rộng rãi trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể hoá Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, nhằm đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp nói chung, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định hỗ trợ việc áp dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa.

Cụ thể, trong hai năm 2024 - 2025, TP Hà Nội sẽ bố trí khoảng 37 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện mua tổng số 201 máy cấy. Trong đó, năm 2024 là 89 máy (hơn 16,5 tỷ đồng) và năm 2025 là 112 máy (gần 20,6 tỷ đồng).

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hoà Phạm Văn Hoạch đánh giá, chính sách hỗ trợ mua máy cấy của UBND TP Hà Nội sẽ cơ bản khắc phục khó khăn hiện nay trong đẩy mạnh cơ giới hoá gieo cấy lúa; đáp ứng đúng và trúng nguyện vọng của người nông dân.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, việc đưa máy móc cơ giới hoá vào canh tác lúa nói riêng góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, đẩy mạnh quá trình thâm canh, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hoá, chất lượng cao tập trung, quy mô lớn.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để triển khai hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách hỗ trợ mua máy cấy từ nguồn kinh phí của UBND TP theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định, hướng đến thúc đẩy cơ giới hoá trong phát triển ngành hàng lúa gạo.