Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển làng nghề

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có số lượng làng nghề lớn nhất của cả nước. Những năm qua, việc khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm làng nghề được TP đặc biệt quan tâm.

Xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Trong số này, có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND TP Hà Nội công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã.

“Sản phẩm của làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; một số nhóm ngành hàng có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren truyền thống; mây tre đan…. Sản phẩm làng nghề Hà Nội đã xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ” - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay.

Nghệ nhân chế tạo nón lá tại làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai).
Nghệ nhân chế tạo nón lá tại làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai).

Không chỉ có thế mạnh về nghề và sản phẩm làng nghề, các làng nghề còn là nguồn lực kinh tế lớn tại các địa phương. Theo tổng hợp báo cáo từ 24 quận, huyện, thị xã, tổng doanh thu của làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng/năm.

Những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Xuất hiện ngày càng nhiều những làng nghề nghìn tỷ như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng…

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tại một số quận, huyện, lao động làng nghề có thu nhập bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất…

Sắp có đề án tổng thể phát triển làng nghề

Mang lại giá trị kinh tế lớn, song các làng nghề của Hà Nội vẫn được nhìn nhận là chưa phát huy được hết thế mạnh. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, một trong những hạn chế lớn nhất của làng nghề truyền thống của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung là chưa cải tiến mạnh về mẫu mã, thiết kế; có nơi chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường, số lượng, nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm.

“Để tìm hướng giải quyết vấn đề mẫu mã, thiết kế cho sản phẩm làng nghề, vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với thành viên Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ thế giới, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo đến từ Italia để trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác…” - ông Nguyễn Xuân Đại thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, hiện nay, Sở Công Thương đang chủ trì phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Sở Du lịch cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Hiện, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đối với 2 làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án phát triển tổng thể làng nghề trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến 2050 nhằm đánh giá thực trạng, phân tích các lợi thế, nguồn lực cũng như các khó khăn, thách thức; từ đó đưa ra các mục tiêu và giải pháp, các kế hoạch, đề án đầu tư phát triển làng nghề bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. 

 

“Để bảo tồn và phát triển làng nghề, hàng năm, UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức nhiều hội chợ quảng bá, giới thiệu, làm cầu nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, duy trì công tác hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể đối với các làng nghề…” - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí.