Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nhiều hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Theo dự báo, năm nay dân số thế giới đạt khoảng 8 tỷ người. Vì vậy, kỷ niệm ngày Dân số thế giới năm nay, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã lựa chọn chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai khác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”. UNFPA kêu gọi cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản.

Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trước hết, nước ta khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỷ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt.

Quận Hoàn Kiếm tổ chức khám sàng lọc (khám tuyến vú, khám phụ khoa, siêu âm và xét nghiệm máu) cho chị em phụ nữ trên địa bàn.
Quận Hoàn Kiếm tổ chức khám sàng lọc (khám tuyến vú, khám phụ khoa, siêu âm và xét nghiệm máu) cho chị em phụ nữ trên địa bàn.

Cụ thể, tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ lệ chết ở người mẹ giảm mạnh, mức độ giảm đã vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015).

Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong hơn 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2020). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ. Đặc biệt, thành công của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã góp phần đạt và về đích trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4).

Tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch số 2857/KH-CCDS ngày 29/6/2022. Theo đó, Hà Nội tổ chức các hoạt động nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch của Trung ương, TP giao năm 2022.

Chiến dịch truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại quận Bắc Từ Liêm.
Chiến dịch truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại quận Bắc Từ Liêm.

Cụ thể, TP phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới; tuyên truyền theo chuyên đề về dân số hưởng ứng Ngày dân số thế giới 11/7/2022; phối hợp với Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ Thập đỏ tổ chức tụ điểm truyền thông kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11/7/2022.…  

Ngoài ra, quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới lồng ghép với hội nghị sơ kết công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm 2022, đánh giá kết quả chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hóa gia đình…

Đặc biệt, Hà Nội vẫn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số. Tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đến các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức Đảng các cấp, MTTQ Việt Nam, các tổ chức và tầng lớp Nhân dân. Tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố. Đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

 

Năm 2021, công tác dân số của TP đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ suất sinh toàn TP năm 2021 giảm 0,92‰, giảm 0,25‰ so với năm 2020 (vượt chỉ tiêu giao), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đạt chỉ tiêu giao giảm 0,1% so với năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2021 đạt 85,07% (vượt chỉ tiêu được giao).

Hiện nay, Hà Nội thực hiện nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…