Hà Nội nỗ lực tiêm vaccine, điều trị F0 tại nhà

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Hà Nội có khoảng 25.000 bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội luôn sẵn sàng ở mức cao nhất, chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, nỗ lực triển khai tiêm vaccine tại nhà cũng như điều trị F0 tại nhà một cách hiệu quả nhất.

Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid tại nhà phường Vĩnh Phúc chăm sóc, điều trị cho các F0.  
Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid tại nhà phường Vĩnh Phúc chăm sóc, điều trị cho các F0.  

Tiêm vaccine Covid-19 tại nhà

Những ngày qua, quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đồng loạt, bố trí lực lượng y tế đến tận nhà người dân để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các trường hợp là người cao tuổi không thể đi đến điểm tiêm, có bệnh lý nền và chống chỉ định. Theo đó, mỗi tổ tiêm chủng tại nhà của các phường có từ 5 đến 6 thành viên, bao gồm các bác sĩ, y tá và công an, đến tận nhà để vận động, tư vấn và tiêm vaccine phòng Covid-19. Trung tâm Y tế (TTYT) quận cũng phân công lực lượng hỗ trợ tham gia tổ tiêm chủng tại nhà.

“Tôi tuổi cao sức yếu, khó khăn trong đi lại. Cứ nghĩ đến tình cảnh đau yếu thế này mình không được tiêm vaccine, nhưng nay nhân viên y tế xuống tận nhà tiêm, dặn dò kỹ lưỡng, tôi rất vui, cảm động với tấm lòng của các y bác sĩ” - bà Đàm Thị Thuyên (phố Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Chủ tịch UBND phường Phúc Tân Trần Xuân Hà cho biết, theo chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, phường Phúc Tân thành lập Tổ tiêm chủng lưu động vaccine phòng Covid-19 tại nhà trên địa bàn phường và phối hợp với TTYT quận tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người không thể đi lại được, không đến được các cơ sở tiêm chủng. Dù địa bàn phường đông dân cư, nhiều người già, yếu không thể đến các điểm tiêm chủng, nhưng phường quyết tâm, cố gắng triển khai đến từng gia đình để tiêm vaccine theo đúng quy trình, hướng dẫn của quận Hoàn Kiếm, Sở Y tế.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện đã thành lập 21 trạm y tế lưu động (TYTLĐ) để theo dõi quản lý, điều trị F0 tại nhà. Quận đã cấp 1.340/ 2.615 túi thuốc A và 177/580 túi thuốc C cho F0 điều trị tại nhà và tại các điểm thu dung của quận. 18 phường đã thành lập 132 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà với 682 thành viên và 56 tổ điều trị với 174 người.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị quận Hoàn Kiếm chú trọng tới việc phát hiện sớm F0 và quản lý bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, cung ứng đủ thuốc, các điều kiện thiết yếu để theo dõi, đảm bảo sức khỏe cho F0. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, theo dõi sức khỏe cho F0 để hạn chế tối đa tử vong. Chủ động cơ số test nhanh để phục vụ công tác phòng chống dịch. Đồng thời, nhanh chóng bao phủ vaccine mũi 3 cho Nhân dân trên địa bàn để phòng bệnh…

Theo TS Trần Thị Nhị Hà, hiện nay, để phòng, chống dịch Covid-19 cần tập trung 3 giải pháp chính đó là tăng cường tiêm vaccine, cung cấp thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng. Đặc biệt, Hà Nội không thiếu thuốc điều trị Covid-19 và sắp tới TP sẽ được bổ sung thêm 200.000 liều Molnupiravir; các quận, huyện phải nhanh chóng phân bổ thuốc cho các F0 điều trị tại nhà, không để bệnh nhân chuyển tầng...

Nhân viên y tế quận Bắc Từ Liêm phát thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Trần Thảo  
Nhân viên y tế quận Bắc Từ Liêm phát thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Trần Thảo  

Để bệnh nhân F0 yên tâm điều trị tại nhà

TS Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, dù F0 điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ lớn, nhưng công tác quản lý vẫn đang được triển khai tích cực. Hiện các quận, huyện đang khẩn trương triển khai tiêm vaccine tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền. Đoàn thanh niên vận động xã hội hóa hỗ trợ hàng trăm bình ôxy cho công tác điều trị F0 tại nhà. Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Hà Nội cũng đã triển khai cấp phát các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 và lượng thuốc này được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Hiện Sở Y tế Hà Nội được các DN trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các TTYT 11.700 túi thuốc A. Sở Y tế cũng đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và đã cấp phát 12.000 túi thuốc này về cho các đơn vị để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà, trong đó có 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện được cấp. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, phường, xã duy trì sẵn sàng ở mức cao nhất với phương châm “4 tại chỗ”, tránh để tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình, bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc A - B... Nâng cao năng lực, quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch, rà soát lại quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm điều hành thông suốt xuống tận phường, xã, thị trấn. Đây là vấn đề mấu chốt để tránh xảy ra tình trạng lúng túng trong việc hỗ trợ, phục vụ người dân. Từng đơn vị, địa bàn tiếp tục chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, chủ động phối hợp với các BV T.Ư, bộ, ngành…

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện chủ động phối hợp bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để người dân yên tâm, tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1. Hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên, điều trị tích cực đối với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 để hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

“Đặc biệt, các quận, huyện chỉ đạo tăng cường hỗ trợ người dân, nhất là các ca nhiễm Covid-19, không để người dân không được quan tâm kịp thời, không có thông tin. Thông tin cho người dân phải hết sức cụ thể dễ tiếp cận, tránh để người dân hoang mang. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ, làm tốt biện pháp này sẽ hạn chế người mắc và chuyển nặng” - Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

 

Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Bên cạnh các TTYT và trạm y tế, lực lượng Đoàn thanh niên, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành sẽ cùng tham gia quản lý F0 điều trị tại nhà.

Theo đó, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm, ưu tiên màu Đỏ - Cam -Vàng theo danh sách. Mạng lưới hối hợp với nhân viên y tế tại các trạm y tế và TYTLĐ để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng; nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần... Đồng thời kết hợp với Tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn TP…

 

 

Hiện số lượng F0 hàng ngày trên địa bàn trung bình trên 100 bệnh nhân. 100% bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được cấp túi thuốc A. TTYT quận cũng đã chuẩn bị các túi thuốc B để khi bệnh nhân có những dấu hiệu sẽ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Còn túi thuốc C hiện nguồn cung còn hạn chế, thuốc này được quản lý chặt chẽ và số lượng có hạn nên ban đầu ưu tiên sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, bệnh nền để phù hợp với số lượng cũng như đảm bảo việc quản lý thuốc này. Khi có đủ sẽ cấp phát theo đúng chỉ định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Giám đốc TTYT quận Đống Đa Nguyễn Đức Tuấn

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần