Nhiều công trình xuống cấp
Với dung tích thiết kế 11,9 triệu m3, hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) là một trong những hồ chứa thủy lợi lớn nhất của Hà Nội. Dù vậy, lòng hồ này hiện nay đang bị bồi lắng nhiều. Mặt đê hồ chứa này bị sụt lún, mái hạ lưu cũng đang sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Trong khi đó, tại hồ chứa nước Đồng Sương (huyện Chương Mỹ), lòng hồ hiện cũng đang bị bồi lắng, cấp thiết cần được nạo vét. Một số hạng mục thuộc công trình quản lý hồ chứa bị hư hỏng; mái bể tiêu năng cũng đang bị sụt sạt…
Công trình sửa chữa đê hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (Ảnh trước thời điểm TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND). |
Tại huyện Thạch Thất, người dân cũng không khỏi lo lắng trong việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trên địa bàn trong mùa mưa bão. Đáng ngại nhất là hồ chứa nước Cố Đụng. Hồ này có dung tích thiết kế 1,048 triệu m3 nước. Dù dung tích không lớn, nhưng mỗi khi có mưa lũ, thân đập lại xuất hiện hiện tượng rò rỉ nước…
Kết quả rà soát, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội trước mùa mưa bão năm 2021 cho thấy, toàn TP hiện có 117 hồ, đập thủy lợi. Đa phần các hồ chứa nước đều được xây dựng và đưa vào sử dụng trên 30 - 40 năm. Nhìn chung, công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng đập, tràn, cống lấy nước được các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện đầy đủ theo quy định.
Tuy đã được quan tâm, đầu tư sửa chữa nâng cấp, nhưng vẫn còn nhiều hạng mục công trình đập dâng, cống lấy nước của nhiều hồ chứa trên địa bàn Hà Nội bị xuống cấp. Lòng hồ bị bồi lắng... Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công năng phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, mà còn có nguy cơ gây mất an toàn công trình khi mùa mưa lũ đến.
Xây dựng phương án ứng phó cho 3 kịch bản
Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của TP, nhiều công trình hồ, đập trên địa bàn Hà Nội đã được sửa chữa, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn nước và phòng, chống thiên tai. Đơn cử như các hồ chứa: Đồng Đò, Đồng Quan, Kèo Cà (huyện Sóc Sơn); Lập Thành (huyện Quốc Oai); Đầm, Vống (huyện Ba Vì)... Dù vậy, nguy cơ mất an toàn từ sự xuống cấp của nhiều hồ chứa vẫn hiện hữu đáng lo ngại.
Để bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập trong mùa mưa bão, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, kèm theo các kịch bản trên, đơn vị đã yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi, cơ quan được giao quản lý hồ, đập có trách nhiệm lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước. Lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai và tình hình khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ, đập.
Trong tình huống nguy hiểm nhất là mực nước hồ cao bằng đỉnh đập, đơn vị quản lý phải thông báo ngay với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để tổ chức di dời dân đến vị trí an toàn. Huy động lực lượng xung kích và các đơn vị bộ đội tổ chức ứng cứu bảo đảm an toàn đập. Cùng với đó, tổ chức ứng trực kiểm tra 24/24 giờ, báo cáo theo quy định; phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Để bảo đảm an toàn hồ, đập, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội ưu tiên cung cấp đủ điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động ổn định, hết công suất. Các quận, huyện, thị xã triển khai giải tỏa các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình hồ, đập; tuyệt đối không tích nước hoặc tích nước hạn chế đối với các hồ chứa đã hư hỏng xuống cấp trong mùa mưa lũ” - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.