Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phát hiện 364 trường hợp nhiễm HIV mới

Thanh Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tại, Hà Nội có 14.441 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống. Số trường hợp nhiễm HIV còn sống của Hà Nội chiếm 6,5% tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống của cả nước.

Tính đến 31/10/2023, có 70,4% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý, tăng 2,2% so với năm 2022. Trong 10 tháng, có 364 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, đạt 72,8% so với chỉ tiêu (chỉ tiêu là 500 trường hợp cần được phát hiện).

Về việc thực hiện chỉ tiêu điều trị ARV đến nay, số người nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV là 13.448/14.441 (93,1%).

Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế/tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng virus là 7541/7695 (98%). Tỷ lệ này tương đương với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 98,6%). Triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 13 cơ sở, có 8.361 khách hàng được sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP đạt 98,3% kế hoạch.

Đến nay, Hà Nội duy trì điều trị Methadone tại 23 cơ sở. Bệnh nhân uống thuốc tại cơ sở  điều trị Methadone, Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đến nay, Hà Nội duy trì điều trị Methadone tại 23 cơ sở. Bệnh nhân uống thuốc tại cơ sở  điều trị Methadone, Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đến nay, Hà Nội duy trì điều trị Methadone tại 23 cơ sở (19 cơ sở thuộc ngành y tế quản lý, 4 cơ sở thuộc Sở LĐTB&XH quản lý), hiện đang điều trị cho 4.962 bệnh nhân, (đạt 93,6% so với chỉ tiêu giao).

Trong khi đó, 9 tháng năm 2023, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã phát hiện được khoảng 10.000 – 11.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới. Báo cáo phát hiện, 80% trong số họ là nam giới, trong đó 50% những người được phát hiện bị nhiễm HIV đã có thể tự công khai về nguy cơ lây nhiễm bệnh của mình là do quan hệ đồng giới nam.

Đáng nói, tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng ở nhóm đối tượng trẻ vị thành niên, học sinh cấp 3. Và những đối tượng này cho biết, họ có quan hệ tình dục đồng giới hoặc từng sử dụng ma túy tổng hợp… Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cần đổi mới. Theo các chuyên gia, tỷ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia tăng các ca nhiễm HIV mới.

Mới đây nhất, trong chương trình giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 13,3%. Điều này có nghĩa là cứ 100 MSM có hành vi nguy cơ thì có hơn 13 người nhiễm HIV. PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục phòng chống HIV – Bộ Y tế cho biết, nhiều tỉnh, TP đã phát hiện nhóm tuổi còn rất trẻ, mới bắt đầu vào độ tuổi vị thành niên đã bắt đầu quan hệ tình dục đồng giới và sử dụng ma túy tổng hợp. Điều này làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, có không ít người trẻ chưa phải là đối tượng MSM thật sự, nhưng vì buồn chuyện gia đình, muốn thử cảm giác lạ, đua đòi theo nhóm bạn mà chỉ vô tình một đêm đi theo nhóm MSM và quan hệ tình dục không an toàn đã dính hậu quả khôn lường. Một vấn đề đáng lo ngại nữa đó là, nhiều người trong nhóm MSM vẫn sợ bị kỳ thị nên chưa tiếp cận với các biện pháp điều trị và sẽ là nguồn lây trong cộng đồng.

Năm nay, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 lựa chọn chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023" với mong muốn huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS để có thể mở rộng nhanh các dịch vụ, đưa ra được nhiều sáng kiến, ứng dụng kết nối các dịch vụ đó và phát hiện được nhiều người HIV hơn, thì sẽ ngăn chặn dịch được tốt hơn.