Phát biểu đề dẫn toạ đàm, Trưởng Ban Kinh tế - xã hội (Hội Nông dân TP Hà Nội) Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh, OCOP là một nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng đến phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Vì vậy, Hội Nông dân TP Hà Nội xác định công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp, phương thức đẩy mạnh tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân, hội nghị, hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ TP đến cơ sở. Hội đã chỉ đạo triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất an toàn gắn với sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Các cấp hội nông dân cũng tích cực vận động các hộ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại, gia trại; xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp và những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, hỗ trợ hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội để đầu tư phát triển sản xuất, hướng đến phát triển đa dạng sản phẩm OCOP theo lợi thế.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ của hội viên nông dân huyện Đông Anh về thực trạng và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn huyện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng quy hoạch và những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển kinh tế phi nông nghiệp và sản phẩm làng nghề ứng dụng công nghệ cao…
Các hội viên nông dân huyện Đông Anh cũng đã cùng thảo luận, trao đổi biện pháp để hoàn thiện, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ. Bàn về vấn đề liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và các tổ chức trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xác lập quyền khai thác, quyền sở hữu nhãn hiệu nông sản để thực hiện Chương trình OCOP…
Đại biểu hội nông dân các xã, thị trấn cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, sản phẩm phi nông nghiệp để tham gia sâu rộng Chương trình OCOP. Đơn cử như Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hội Phạm Tiến Dũng đề nghị Hội Nông dân TP Hà Nội tăng mức hỗ trợ cho hội viên để đáp ứng yêu cầu sản xuất; hay đề xuất của Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Nội Nguyễn Trung Hiếu về quy hoạch và xây dựng các khu kinh doanh, buôn bán sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng…
Thay mặt chủ trì toạ đàm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ đã cùng chia sẻ thông tin, giải đáp những vấn đề khúc mắc của hội viên nông dân các xã, thị trấn. Đặc biệt là định hướng phát triển kinh tế nông thôn của huyện Đông Anh, và một số cơ chế, chính sách hỗ trợ của TP Hà Nội cho phát triển nông nghiệp, phi nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng đánh giá, những thành công ban đầu của Chương trình OCOP và hiệu ứng lan toả của chương trình sẽ là nền tảng để thúc đẩy phát triển sản phẩm có tiềm năng ở huyện Đông Anh nói riêng, toàn TP nói chung. Để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình OCOP, thời gian tới, Hội Nông dân TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp hội và hội viên nông dân nhận thức đúng và đầy đủ về chương trình, từ đó tích cực tham gia phát triển sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng cũng đề nghị các sở ngành của Hà Nội, UBND huyện Đông Anh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân trong tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới đủ điều kiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP...