Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa: Làm gì để đạt hiệu quả?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi đầu trong việc đề ra các chính sách và hiện thực hóa việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Hà Nội vừa làm vừa rút kinh nghiệm, học hỏi các mô hình hay. Mặc dù rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa...

Tuy nhiên theo các chuyên gia, Hà Nội cần có trọng tâm để mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa đạt hiệu quả.

Còn lãng phí tài nguyên di sản

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ VHTT&DL đã thẩm định 260 dự án bảo tồn di tích cho Hà Nội. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương: “Đây là con số thẩm định bảo tồn lớn nhất của một địa phương từ trước đến nay”. Điều này để chứng tỏ Hà Nội đang rất quan tâm đến việc bảo tồn di sản ngàn năm của cha ông để lại. Có được sự quan tâm này cũng bởi vì TP Hà Nội đang giữ gìn, bảo tồn cho đất nước khối lượng di sản văn hóa khổng lồ. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, trong 3.500 di tích được công nhận cấp quốc gia, Hà Nội có hơn 1.200 di tích, chiếm hơn 1/3 di tích cấp quốc gia của cả nước.

Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert là một trong những chương trình âm nhạc rất thành công trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh
Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert là một trong những chương trình âm nhạc rất thành công trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh

Thế nhưng, phải thừa nhận rằng để giữ gìn danh hiệu TP di sản, cũng là cách định vị thương hiệu cho Hà Nội trong việc thu hút du khách quốc tế Hà Nội còn quá nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn di sản. “Tôi nghĩ Hà Nội chưa tạo dựng được sự cân bằng, khái quát được tiềm năng tài nguyên văn hóa. Trong chừng mực nhất định có thái độ ứng xử chưa thỏa đáng với tài sản quý giá cha ông đã trao” - PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nhấn mạnh.

Sau hơn 10 năm khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận, nơi vương triều phong kiến Việt ngự trị suốt 13 thế kỷ vẫn còn là trong tưởng tượng của rất nhiều du khách khi đến đây. Dự án Tái hiện không gian và chính điện Kính Thiên (hạ giải Nhà Cục tác chiến, Nhà Con Rồng) vẫn ở trong quy trình triển khai, trình phê duyệt, cho dù có rất nhiều cuộc khảo cổ lớn nhỏ diễn ra hàng năm tại không gian chính điện Kính Thiên. Những dấu tích của cung điện các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đều được phát lộ. Nhưng bao giờ phục dựng hay tái dựng được cung điện đó thì vẫn còn chờ nghiên cứu. Cũng rất mừng là trong năm qua, nằm trong lộ trình bảo tồn phát huy giá trị di sản Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, HĐND TP đã ban hành các nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

 

Tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài là điều cần thiết, song Hà Nội cần chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Như vậy mới phù hợp với tình hình, đặc điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa mà Hà Nội mong muốn đạt được.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long -Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng

Trong hội nghị ngày 18/4/2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là việc làm thiết thực, cụ thể hóa kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, cũng như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. TP tập trung chỉ đạo các dự án này chính là nhằm phát huy nguồn lực văn hóa to lớn của Thăng Long - Hà Nội, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tìm lại các chương trình mang thương hiệu quốc tế

Bàn về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài đặt vấn đề, Đà Nẵng có Lễ hội quốc tế pháo hoa, Huế có Festival, Quảng Ninh có Canaval nhưng Hà Nội chưa có sự kiện mang tầm quốc tế. Từ việc đặt vấn đề, PGS.TS Đặng Văn Bài đề nghị Hà Nội cần phát triển, đi đầu cả nước về công nghiệp văn hóa.
Còn nhớ, Hà Nội từng có các chương trình nghệ thuật mang thương hiệu quốc tế như: Lễ hội âm nhạc gió mùa, hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, lễ hội hoa anh đào… Các chương trình đã trở thành điểm hẹn của du khách quốc tế tại Hà Nội. Trong khoảng 3 năm (2017 - 2029), như đã thành thông lệ, mỗi khi Hà Nội vào Thu, dàn nhạc giao hưởng LSO với những nhạc công hàng đầu thế giới lại dừng chân trong không gian phố đi bộ Hồ Gươm, cùng hòa nhịp với những thang âm đẹp đẽ như một lời chào Việt Nam. Sau mỗi sự kiện, trước sự góp mặt của hàng nghìn người, trong đó phần nửa là du khách quốc tế, theo dõi trực tiếp trong khu vực tượng đài, cùng hàng nghìn người theo dõi qua màn hình LED 400 inch tại đường Đinh Tiên Hoàng và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert không chỉ dừng lại ở việc nâng cao thưởng thức nghệ thuật cho người Việt Nam, mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cởi mở, yêu chuộng nghệ thuật, TP Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nhưng rồi vì dịch bệnh Covid-19, hoặc vì các lý do chưa tìm được địa điểm biểu diễn phù hợp thay thế không gian biểu diễn tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mà các chương trình Lễ hội âm nhạc gió mùa, hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, lễ hội hoa anh đào chưa thể tiếp tục diễn ra.

Sẽ còn rất nhiều còn rất nhiều việc phải làm để Hà Nội đạt mục tiêu là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là vấn đề xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Tại hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” diễn ra vào cuối tháng 3/2023, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay: Trong thời gian tới, TP Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi điện tử… Phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP; 2030 đóng góp 8% GRDP của TP. Hà Nội đã đưa ra các chiến lược cụ thể và bài bản đề đạt được mục tiêu này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần