Trong Công văn do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký, gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các Sở, Ngành, Hội đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã, UBND TP nêu rõ: Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến các chất ma túy mới hoặc các vụ gây ngộ độc liên quan chất ma túy. Các chất ma túy mới ngày càng có xu hướng độc hại gia tăng, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ảo giác mạnh, loạn thần kiểu tâm thần phân liệt, tăng thân nhiệt, co giật và có thể ngay lập tức đe dọa đến tính mạng nếu sử dụng quá liều, gây ra hệ lụy lệ thuộc, nghiện các chất ma túy…
Các chất ma túy này được núp bóng “tẩm”, “chế biến” trong thuốc lá điếu, dung dịch tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử và các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm: Bánh lười, socola cần sa, kẹo mút cần sa, “nước vui”, “Crispy Fruit” – nước xoài hoặc trộn nhiều loại ma túy vào với nhau sau đó đóng thành từng gói bột nhỏ với bao bì hình ảnh màu sắc bắt mắt thu hút giới trẻ sử dụng và hiện có nguy cơ xâm nhập trong cộng đồng, nguy hiểm nhất là môi trường học đường các cấp.
Để kịp thời làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy, UBND TP Hà Nội đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Hải quan TP và các đoàn thể chính trị TP, yêu cầu các Sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật phòng, chống ma túy, trong đó trọng tâm tuyên truyền các hại của ma túy, các chất ma túy mới, các sản phẩm thực phẩm (bánh, kẹo, nước hoa hỏa,…), thuốc lá (thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu) dễ bị tẩm, chế biến chất ma túy gây độc hại tới sức khỏe con người; cách nhận diện những thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy…; kỹ năng phòng tránh ma túy, cảnh giác trước ma túy tẩm trong thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu.
Đồng thời, xây dựng các chương trình tuyên truyền bổ ích, hiệu quả tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ, học sinh…; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng trái phép các chất ma túy nhất là các chất mới. Thực hiện phổ biến, quán triệt ngay trong chính đơn vị, địa phương mình.
UBND TP Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường các hoạt động ngoại khóa bổ ích, thiết thực; phối hợp Công an TP và các đơn vị chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cho học sinh và phụ huynh học sinh, đoàn viên, thanh niên về hậu quả, tác hại của ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn. Cùng với đó là tổ chức cho phụ huynh và học sinh ký cam kết không để học sinh sử dụng thuốc lá điện tử (đặc biệt trong khu vực trường học), không sử dụng trái phép chất ma túy.
Công an TP chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy nhất là các chất ma túy mới, ma túy “núp bóng” trong các sản phẩm là thực phẩm hoặc tội phạm lợi dụng công nghệ hóa học, dược học để nghiên cứu, tạo ra những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm.
Song song với đó là rà soát, nắm thông tin trên không gian mạng, tập trung các trang mạng xã hội, phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp phòng ngừa việc quảng bá, mua bán trái phép các chất ma túy, các chất gây nghiện, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan. Và, trên cơ sở kết quả công tác đấu tranh các vụ án, kịp thời kiến nghị bổ sung các chất ma túy mới vào danh mục quản lý, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; kịp thời cập nhật cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan báo chí để thực hiện công tác tuyên truyền.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đổi mới hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy, trọng tâm tuyên truyền cảnh báo tác hại của ma túy và các chất ma túy mới; chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy nhằm xây dựng “Học đường môi trường không ma túy”. Đồng thời, quan tâm bố trí ngân sách địa phương, đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống ma túy nhất là tuyên truyền phòng, chống ma túy.