Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội quản lý, sử dụng thuốc, điều trị F0 tại nhà ra sao?

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Y tế Hà Nội đã ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Theo đó, những đối tượng quản lý tại nhà (F0) là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính. Mức độ lâm sàng, gồm: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ là sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, giảm vị giác, khứu giác…; SpO2 bằng hoặc trên 96%, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút; tuổi bằng hoặc trên 3 tháng và dưới hoặc bằng 49 tuổi. Ngoài ra, đối tượng F0 này chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin; không mang thai.
Những F0 điều trị tại nhà có khả năng tự chăm sóc bản thân: Tự ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…; biết cách đo thân nhiệt; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế; tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.
Khi điều trị tại nhà, các F0 cần chuẩn bị: Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe. Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm. Đồng thời, chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như: Khẩu trang y tế dùng 1 lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng; dụng cụ cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm - giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân. Cùng với đó, phương tiện cần có: Nhiệt kế, máy đo độ bão hòa ô xy đầu ngón tay (SpO2); máy đo huyết áp; điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế; thùng rác thải y tế; túi thuốc điều trị tại nhà; có người thân chăm sóc.
 Nhân viên y tế Hà Nội phát thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Hà Linh
Đối tượng F0 không được tự ý rời phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Đồng thời, họ không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và khi chăm sóc.
Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cho người trên 18 tuổi.
Theo đó, thuốc điều trị gồm 3 nhóm:
Nhóm A: Là những thuốc thông dụng, bao gồm: Thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. Paracetamol 500mg uống 1 viên khi sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ (nếu vẫn còn sốt). Ngoài ra, uống vitamin tổng hợp: Uống 1 viên lần/ngày; vitamin C uống sáng 1 viên, tối 1 viên.
Nhóm B: Là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 <96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất trước khi chuyển viện. Dexamethasone 0,5mg x 12 viên uống 1 lần (12 viên tương đương 06mg) hoặc Methylprednisolone 16mg x 1 viên uống; Rivaroxaban 10mg x 1 viên uống hoặc Apixaban 2,5mg x 1 viên uống hoặc Dabigatran 220mg x 1 viên uống.
Với các thuốc dùng cho nhóm B, Sở Y tế Hà Nội lưu ý, không sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh (viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác).
Nhóm C: Là thuốc kháng virus, gồm: Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg uống ngày 2 lần: Sáng 800mg, chiều 800mg và uống 5 ngày liên tục hoặc Favipiravir viên 200mg. Ngày đầu 1600mg/lần x 2 lần/ngày, các ngày sau uống 600 mg/lần x 2 lần/ngày, uống từ 7 đến 14 ngày “Với thuốc nhóm C cũng không sử dụng trong trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc có kế hoạch có thai, đang cho con bú”, Sở Y tế Hà Nội lưu ý.
Xét nghiệm Covid-19 tại nhà, F0 không triệu chứng điều trị tại nhà có kết quả Ct ≥ 30, sau 72 giờ xét nghiệm RT-PCR có kết quả Ct ≥ 30 hoặc âm tính thì kết thúc điều trị và thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Đối với F0 không triệu chứng có Ct <30 xét nghiệm SARS-CoV-2 ở ngày thứ 10 khi có kết quả Ct ≥ 30 thì kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày; còn nếu Ct<30 tiếp tục xét nghiệm định kỳ cho đến khi có kết quả Ct ≥ 30 hoặc âm tính, hoặc sau 21 ngày cách ly được kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày.
Đối với F0 có triệu chứng điều trị tại nhà, xét nghiệm RT-PCR vào ngày 14 có kết quả Ct ≥ 30 được kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày, nhưng nếu Ct<30, tiếp tục xét nghiệm định kỳ đến khi có kết quả Ct ≥ 30 hoặc âm tính, hoặc sau 21 ngày cách ly thì được kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày.
Theo Sở Y tế Hà Nội, nếu người bệnh có kết quả âm tính, cơ sở được phân công quản lý F0 lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn để cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Cùng với đó, làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có Công văn số 21391/SYT-NVY về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 lần thứ 4 gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115.
Theo hướng dẫn mới này, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Cụ thể:
Tầng 1, dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình, gồm: Tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không có triệu chứng cần can thiệp y tế. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Tầng 2, dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: Tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện Trung ương.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Cụ thể: Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; ở tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương;
Người bệnh đang điều trị HIV, Lao, cơ sở tiếp nhận điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Phổi Hà Nội; ở tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện Trung ương. Người có bệnh lý tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phối hợp) và bệnh viện Trung ương. Người bệnh mắc các bệnh lý chuyên khoa khác (như: Răng hàm mặt, mắt, tai mũi họng…) cần can thiệp y tế, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa tầng 2; cơ sở điều trị tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, xét nghiệm của người bệnh Covid-19, chủ động chuyển người bệnh đến các cơ sở điều trị ở tầng thấp hơn để tiếp tục quản lý, điều trị khi tình trạng ổn định; đồng thời, ưu tiên bố trí giường bệnh tầng 2, tầng 3 để tiếp nhận người bệnh mới.