Hiện trạng công trình y tế chưa đáp ứng so với sự phát triển
Hiện nay, mạng lưới y tế của Hà Nội có 91 đơn vị trực thuộc bao gồm 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế quận, huyện và 20 trung tâm chuyên khoa; 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 4 nhà hộ sinh, 53 phòng khám đa khoa. Tuy mạng lưới y tế của Hà Nội phát triển nhưng cũng còn khó khăn, tổng diện tích đất các cơ sở y tế thuộc TP khoảng 68,91ha, bình quân 1,77ha/bệnh viện.
Như vậy, hệ thống các bệnh viện thuộc Hà Nội phần lớn có quy mô diện tích nhỏ và rất nhỏ. Các dự án bệnh viện tư nhân chủ yếu tập trung vào những khu vực phát triển mở rộng của đô thị trung tâm như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông… Hầu hết những huyện xa trung tâm Hà Nội chưa được các nhà đầu tư chú ý.
Về kiến trúc và quy hoạch, nhiều bệnh viện không được chú ý thiết kế hợp lý theo dây chuyền hoạt động thống nhất, đồng bộ theo một tầm nhìn phát triển dài hạn. Các bệnh viện phần lớn được thiết kế, quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phục vụ khám và chữa bệnh trong giai đoạn ngắn hạn. Trong các giai đoạn tiếp theo, phần lớn được mở rộng, xây dựng chắp vá, lộn xộn, thậm chí tạm bợ. Việc bố trí sân, vườn, cây xanh, đường nội bộ, bãi đỗ xe, sân tập ngoài trời cho bệnh nhân đều không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu.
Mặt khác, nhiều quan điểm mới trong xây dựng bệnh viện hiện đại như kết hợp chữa bệnh và điều dưỡng, đưa bệnh viện trở thành một tổ hợp dịch vụ công cộng… chưa có điều kiện thực hiện. Các bệnh viện tuyến 3 (tuyến trung ương) và tuyến 2 (tuyến TP) tại Hà Nội phần lớn nằm trong khu vực các quận nội thành, các bệnh viện được tiếp cận với mạng giao thông đô thị rất thuận lợi. Tuy nhiên, xe cấp cứu thường không thông suốt do hiện tượng tắc nghẽn giao thông đô thị.
Đối với trạm y tế xã, phường, sự bùng phát của dịch Covid-19 thời gian qua làm bộc lộ những yếu kém, bất cập. Ông Dương Thành Công - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai nêu, trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng cơ sở vật chất trạm y tế phường đang rất xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu điều trị cho các ca F0.
Bí thư Đảng ủy phường Mai Động, quận Hoàng Mai Đặng Thị Thanh Bình chia sẻ, đối với một phường dân số đông, các ca F0 liên tục tăng nhanh, lực lượng y tế đều phải ăn ở, sinh hoạt tại trạm y tế để thực hiện nhiệm vụ, trong khi hạ tầng cơ sở quy hoạch, xây dựng lại hầu như không có khu vực riêng dành cho nhân viên y tế. Cùng đó, với quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp, việc nhân viên y tế sinh hoạt chung với bệnh nhân Covid-19 tại các trạm y tế hiện nay hết sức e ngại.
Là phường đông dân nhất Hà Nội, ông Phù Vĩnh Thắng - Trạm trưởng Trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, có khoảng 90.000 dân nhưng phường chỉ có một trạm y tế với 11 cán bộ (gồm 1 trưởng, 1 phó và 9 nhân viên) nên công việc đang quá tải.
Quy hoạch mạng lưới toàn vùng tránh sự quá tải
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (QHC1259), đã chú trọng việc nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô. Dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đã định hướng đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia, như trung tâm đào tạo, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược, trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện T.Ư và TP. Các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái và các thị trấn hiện hữu xây dựng hệ thống bệnh viện TP, quận huyện, phòng khám đa khoa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Quá trình cụ thể hóa QHC1259, năm 2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tiêu chí quy hoạch các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã sẽ mở rộng tại vị trí cũ và nâng cấp cơ sở vật chất; xây dựng thêm cơ sở mới để phù hợp với thực tế phát triển.
Đặc biệt, đã định hướng phát triển phủ kín mạng lưới y tế dự phòng trên toàn địa bàn Thủ đô. Giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. Phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật.
Đồng thời, tại các đồ án quy hoạch chung đô thị đã xác định bố trí tại Phú Xuyên xây Trung tâm y tế vùng 160 - 165ha; Sóc Sơn xây khu tổ hợp y tế tập trung 80ha; Tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc: Phân khu HL3 dành 10ha cho các cơ sở y tế của các bộ, ngành, phân khu HL4 dành 120ha để xây dựng các cơ sở y tế, khám chữa bệnh, nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực y tế cấp T.Ư; Tại Sơn Tây dành 50ha bố trí tổ hợp y tế cấp vùng.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh đánh giá, quá trình triển khai các đồ án quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp bệnh viện, cơ sở y tế đã bộc lộ một số bất cập. Các bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực nội thành cơ bản không còn quỹ đất để mở rộng, tầng cao bị hạn chế. Việc thực hiện di dời các cơ sở y tế gây ô nhiễm tại khu vực nội thành theo định hướng QHC1259 và Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng còn chậm và chưa đồng bộ, do có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách. Các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trung ương ngày càng phình to dẫn đến gây áp lực, quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đặc biệt, các bệnh viện, cơ sở y tế của Hà Nội đầu tư không nhiều và tiến độ chậm.
Để dần từng bước khắc phục các tồn tại như nêu trên, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần thay đổi phương pháp tiếp cận về quản lý, bao gồm cả quy hoạch xây dựng. Hà Nội đang thực hiện rà soát điều chỉnh tổng thể QHC1259, trong quá trình triển khai sẽ rà soát, xây dựng nội dung quy hoạch hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tích hợp vào Điều chỉnh tổng thể QHC1259 và quy hoạch TP, trên nguyên tắc: Phát triển hệ thống y tế trong toàn vùng góp phần hạn chế sự quá tải đối với hệ thống y tế trong trung tâm; Định hướng quy hoạch phát triển các trung tâm dịch vụ y tế đồng bộ giữa nghiên cứu, đào tạo và khám chữa bệnh, gắn với định hướng phát triển của Thủ đô; Xây dựng cơ chế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo chủ trương xã hội hóa đầu tư về y tế.
Trong giai đoạn hiện nay, việc cần thiết là phải đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các trạm y tế không đảm bảo chất lượng, đã xuống cấp. Sở Y tế đã đang phối hợp với Sở KH&ĐT trình UBND TP Hà Nội phê duyệt tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là 2.447 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất cho 307/579 trạm y tế với tổng mức đầu tư khoảng 1.767 tỷ đồng. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà |