Hà Nội, quy hoạch vùng trồng quy mô lớn để phát triển nông nghiệp đô thị

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang đẩy mạnh quy hoạch vùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân.

“Nở rộ” vùng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao

Cùng với dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đến nay, hầu hết các huyện trên địa bàn TP đều tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) Ảnh: Ánh Ngọc
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) Ảnh: Ánh Ngọc

Đơn cử như huyện Thường Tín, hiện tại, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 1.745ha tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên…; vùng sản xuất rau an toàn 545ha tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.159ha tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…

Từ các vùng sản xuất, Thường Tín đã hình thành được 14 mô hình liên kết chuỗi, 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay, Thường Tín đã có quy hoạch đối với từng xã. Việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn được định hướng phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Cùng với những vùng sản xuất chính, huyện đã quy hoạch các vùng trang trại tổng hợp, vùng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Qua đó, tạo dựng nền tảng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Mô hình trồng nấm hữu cơ tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn
Mô hình trồng nấm hữu cơ tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn

Tại huyện Sóc Sơn, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, địa phương đã chuyển đổi được hơn 500ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các vùng chuyên canh tập trung.

Cụ thể: Vùng trồng rau hữu cơ - rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh…; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Nam Sơn…; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…

Các vùng nông nghiệp tập trung, quy mô lớn này đã giúp nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất chuyên canh, nâng cao thu nhập.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung đã thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 2.080,9ha; 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 5.300ha.

Đầu tư xứng tầm

Để quy hoạch vùng nông nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Đồng thời, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung.

Vùng trồng hoa, cây cảnh tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Ánh Ngọc
Vùng trồng hoa, cây cảnh tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Ánh Ngọc

Nói về định hướng quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, TP sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha...

Đồng thời, khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hà Nội cũng sẽ hình thành các cụm nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, quy hoạch vùng sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình đô thị hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Do đó, TP sẽ tăng nguồn ngân sách để chi thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh, lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp, xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.

 

Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Đọc tiếp