Tại lễ ra quân, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Vũ Đức Thuật nhấn mạnh, BHXH tự nguyện, BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, chia sẻ sâu sắc. Các chính sách này do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là khi không may bị ốm đau, bệnh tật, gặp tai nạn rủi ro hoặc lúc tuổi già...
Tại Hà Nội, thông qua nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, linh hoạt, số người tham gia BHYT ngày càng tăng. Đến nay, toàn TP có gần 7,5 triệu người tham gia BHYT, tăng gần 200.000 người so với cùng kỳ năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được các bên quan tâm thực hiện.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho hơn 4,6 triệu lượt người với số tiền gần 8.400 tỷ đồng, bình quân mỗi lượt điều trị nội trú là hơn 8,7 triệu đồng, ngoại trú là hơn 600.000 đồng... Còn chính sách BHXH tự nguyện thu hút hơn 64.000 người dân tham gia, tăng hơn 12.000 người so với cùng kỳ năm 2021, bằng 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Sau lễ ra quân, lực lượng cán bộ ngành BHXH Hà Nội cùng nhân viên bưu điện tiến hành tuyên truyền lưu động bằng phương tiện ô tô, xe máy gắn các thông điệp truyền thông về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại nhiều địa điểm tập trung đông dân cư.
Ngoài ra, các nhóm tuyên truyền gặp gỡ từng người dân để giải thích rõ hơn về lợi ích khi tham gia các chính sách. Đối tượng tập trung tuyên truyền là hộ nông dân sản xuất kinh doanh, chủ trang trại; thợ thủ công, lao động trong các hợp tác xã, làng nghề truyền thống; người buôn bán, kinh doanh cá thể, tiểu thương, chủ nhà trọ...
Việc đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân bằng nhiều hình thức là giải pháp quan trọng để Hà Nội có thể cán đích các mục tiêu về an sinh xã hội. Phấn đấu đến cuối năm 2022, số người tham gia BHYT ở Thủ đô đạt độ bao phủ 92,5% dân số. Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2022, các cơ quan chức năng cần phát triển hơn 238.000 người tham gia BHYT; gần 45.000 người tham gia BHXH tự nguyện.