Hà Nội: Rét đậm kéo dài, người trồng rau củ “vừa mừng, vừa lo”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rét đậm đang ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân Hà Nội. Bà con lo lắng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt kéo dài, nhưng cũng rất phấn khởi vì đây đang là thời điểm rau củ được giá cao.

Thời điểm cận Tết Giáp Thìn 2024, những vựa rau củ lớn nhất của Hà Nội tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), hay xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) nhộn nhịp hơn hẳn. Bà con nông dân tất bật xuống đồng thu hái rau củ đi tiêu thụ.

Anh Kiều Duy Hồng ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho biết, gia đình canh tác 3 sào rau củ các loại. Hiện, gia đình đang vào lứa thu hoạch nên diện tích còn lại khá ít.

Rau vụ Đông 2023 - 2024 đang vào lứa thu hoạch.
Rau vụ Đông 2023 - 2024 đang vào lứa thu hoạch.

“Thực tế thì thời tiết giá rét cũng khiến một phần diện tích rau của gia đình bị vàng lá. Tuy nhiên bù lại, giá rau lại đang khá cao, bình quân gấp 2 - 3 lần giai đoạn thời tiết nồm, nóng cách đây ít tuần…” - anh Hồng nói thêm.

Một số hộ gia đình ở thôn Tiền Lệ đã thu hoạch hết rau vụ Đông 2023, đang chuẩn bị bắt tay vào gieo trồng vụ Xuân 2024. Bà Nguyễn Thị Tiến ở thôn Tiền Lệ vừa khẩn trương làm đất, vừa hy vọng những ngày tới thời tiết sẽ ấm áp hơn để kịp vào vụ mới. Sở dĩ vậy là bởi khi thời tiết rét dưới 15 độ C, hạt giống sẽ khó nảy mầm, sinh trưởng chậm.

Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiền Lệ (xã Tiền Yên) Nguyễn Văn Hào  cho biết, hiện nay hợp tác xã có 500 hộ thanh viên tham gia trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 33,5ha. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho thị trường Hà Nội từ 12 - 14 tấn rau củ các loại.

Rét đậm kéo dài có khả năng ảnh hưởng đến việc vào vụ rau mới của nông dân.
Rét đậm kéo dài có khả năng ảnh hưởng đến việc vào vụ rau mới của nông dân.

Những năm qua, người dân đã chủ động hơn trong kỹ thuật chăm sóc nên ít chịu ảnh hưởng của thời tiết. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới để hạn chế yếu tố thời tiết tác động đến cây trồng, nhất là giá rét, nắng nóng, sương muối, mưa to gió lớn…

Ở một vùng sản xuất nông nghiệp lớn khác của Hà Nội là xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), màng che phủ nilon được bà con sử dụng khá nhiều để bảo vệ rau củ trước thời tiết giá rét và mưa phùn.

“Cùng với bảo đảm nguồn nước cân đối, chúng tôi cũng bổ sung thêm dinh dưỡng, bón thêm phân chuồng, rắc tro hoặc trấu, để giúp rau màu phát triển tốt trong điều kiện giá rét…” - chị Trần Thị Hường, một nông dân thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) nói.

Giám đốc Hợp tác xã tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua chia sẻ, đây đang là thời điểm các loại rau vụ Đông vào lứa thu hoạch. Vì là rau vụ Đông nên ít chịu ảnh hưởng hơn bởi thời tiết. Dù vậy, khi nhiệt độ quá thấp kèm mưa nhiều cũng sẽ làm giảm năng suất và chất lượng của rau màu. Bà con cũng gặp khó khăn khi vào vụ mới.

“Dù thời tiết giá rét khiến sản xuất có phần vất vả, nhưng bà con cơ bản  phấn khởi vì giá rau củ đang rất tốt. Hiện, hợp tác xã vẫn bảo đảm cung ứng khoảng 300 tấn rau củ các loại mỗi ngày cho thị trường Hà Nội, ngay cả trước, trong và sau dịp Tết Giáp Thìn 2024…” - ông Đua cho biết thêm. 

 

Đối với các loại cây rau màu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng khuyến cáo nông dân không gieo trồng gối vụ các loại rau màu khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 15 độ C. Sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng để chống rét cho cây trồng; đồng thời chăm sóc, tưới đủ ẩm, bón phân đầy đủ, cân đối để cây trồng khỏe mạnh, tăng khả năng chống rét.