Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Rốt ráo lấy nước sản xuất vụ Xuân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ngày vui Xuân Quý Mão, các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào vận hành hệ thống trạm bơm, tập trung lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2023.

Ứng trực lấy nước 24/24 giờ

Từ ngày 25/1 (mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), trạm bơm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) với 6 tổ máy, công suất mỗi tổ 2.000m3/giờ đã được vận hành trở lại. Những năm qua, huyện Quốc Oai là một trong những địa phương có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sản xuất vụ Xuân cao nhất trên địa bàn Hà Nội. Chính vì vậy, công tác lấy nước được ngành thủy lợi đặc biệt quan tâm.

Trạm trưởng trạm bơm Vĩnh Phúc Nguyễn Quang Minh cho biết, những ngày qua, đơn vị cắt cử công nhân ứng trực 24/24 giờ, theo dõi lượng mưa, điều kiện nguồn nước để sẵn sàng vận hành các trạm bơm. “Hệ thống máy móc được thường xuyên duy tu nhằm bảo đảm điều kiện lấy nước tốt nhất cho vụ Xuân…” - ông Nguyễn Quang Minh cho hay.

Công trình cống Liên Mạc lấy nước từ sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm.
Công trình cống Liên Mạc lấy nước từ sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm.

Trong khi đó tại huyện Thanh Oai, hàng chục trạm bơm cũng đang tích cực vận hành. Tại trạm bơm Thạch Nham, 2 máy bơm với công suất mỗi máy 7.200m3/giờ chạy hết công suất ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Anh Lê Văn Lâm - Đội phó phụ trách cơ điện của Đội Khê Tang (Xí nghiệp thủy lợi La Khê) cho biết, hiện nay mực nước trên hệ thống còn thấp nên trạm bơm Thạch Nham mới vận hành được 2/5 tổ máy. Thời gian tới khi được bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện trong đợt lấy nước thứ hai, đơn vị sẽ cố gắng để vận hành hết 5 tổ máy.

Theo thống kê từ 4 doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội, hàng trăm trạm bơm các loại đã được vận hành tối đa công suất từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Số lượng trạm bơm vận hành dự kiến tăng thêm trong những ngày tới, khi các nhà máy thủy điện tăng cường phát điện, bổ sung nguồn nước từ hồ chứa cho 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Không để thất thoát nguồn nước

Với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp thủy lợi, đến nay, tổng diện tích có nước đã đạt khoảng 45% kế hoạch gieo cấy vụ Xuân 2023 của Hà Nội. Huyện Ứng Hoà là địa phương có diện tích lấy nước đạt cao nhất với khoảng 85% tổng diện gieo cấy toàn vụ; tiếp đến là các huyện: Phú Xuyên 83%, Thường Tín 70%, Mỹ Đức 67%, Thanh Trì 63%...

Công nhân vận hành lấy nước vụ Xuân 2023 tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây).
Công nhân vận hành lấy nước vụ Xuân 2023 tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây).

Mặc dù vậy, diện tích có nước tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn rất thấp. Đơn cử như các huyện: Gia Lâm 2,7%; Sóc Sơn 5,3%; Phúc Thọ 11%; Đông Anh 12,9%; Mê Linh 14,5%... Cá biệt có 4 quận chưa tiến hành lấy nước vụ Xuân 2023 gồm: Long Biên, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Dù tổng diện tích sản xuất vụ Xuân của 4 quận không lớn, tuy nhiên trong bối cảnh nguồn nước hệ thống sông ngày một suy giảm, nguy cơ thiếu nước là không thể chủ quan.

Theo Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và Phòng chống thiên tai Nguyễn Duy Du, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ lấy nước của một số địa phương còn chậm là bởi tập quán canh tác muộn. Chính vì vậy, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ Đông trên đất lúa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để tập trung lấy nước, làm đất, đổ ải.

Để bảo đảm tiến độ sản xuất vụ Xuân 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước trên hệ thống sông ngòi, kênh rạch; quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống các trạm bơm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất giữ nước đến đó, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước. 

 

Từ 0 giờ ngày 1/2/2023, các hồ chứa thủy điện sẽ mở cửa xả để bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023 cho 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội). Đợt xả nước thứ hai sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 8/2/2023.