Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Sẵn sàng các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/6. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, TP về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Chủ trì tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo thi TP Vũ Thu Hà.

Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo thi TP Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo thi TP Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.

Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp của TP Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Năm 2023, toàn TP Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 881.831 thí sinh (trong đó có 3.361 thí sinh tự do); số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.264 thí sinh (trong đó có 293 thí sinh).

Số thí sinh đăng ký dự thi theo từng môn như sau: Môn Toán có 100.831 thí sinh; môn Vật lý có 26.196 thí sinh; môn Hóa học có 26.153 thí sinh; môn Sinh học có 28.829 thí sinh; môn Ngữ văn có 101.095 thí sinh; môn Lịch sử có 74.834 thí sinh; môn Địa lý có 74.710 thí sinh; môn Giáo dục công dân có 60.652 thí sinh; môn tiếng Anh có 83.893 thí sinh; môn tiếng Nga có 3 thí sinh, môn tiếng Pháp có 149 thí sinh; môn tiếng Trung có 466 thí sinh; môn tiếng Đức có 47 thí sinh, môn tiếng Nhật có 240 thí sinh và môn tiếng Hàn có 102 thí sinh.

TP dự kiến bố trí 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 176 phòng thi ghép, số phòng chờ là 170 phòng, số phòng thi dự phòng là 378 phòng.

Thí sinh trong một quận/huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi. Theo Quy chế thi, cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình; trưởng điểm và phó trưởng điểm thi không cùng một đơn vị; mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi ở 2 trường phổ thông khác nhau. Để đảm bảo quy chế thi, tạo mỗi điểm thi, cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THPT đến từ quận, huyện, xã lân cận; cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THCS nơi đặt điểm thi.

TP dự kiến điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi; dự kiến điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.

TP dự kiến bố trí 537 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi (trong đó Điểm thi dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra, 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra, từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra, từ 41 phòng thi trở nên là 5 thanh tra; tăng cường thêm thanh tra ở những điểm thi có phòng thi phân tán). Thanh lập Tổ giám sát gồm 16 nhóm, mỗi nhóm 3 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở GD&ĐT và Thanh tra TP).

Ban Chỉ đạo thi TP thành lập 10 tổ kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban chỉ đạo cấp TP tổ chức kiểm tra kỳ thi trên địa bàn TP; Ban chỉ đạo cấp huyện thành lập tổ kiểm tra kỳ thi trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

Sở GD&ĐT - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã thành lập Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi; thành lập các điểm thi, các đoàn/tổ thanh tra, giám sát kỳ thi. Các Sở, ban, ngành liên quan bố trí nhân sự, xây dựng phương án phối hợp tổ chức thực hiện (phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh bảo mật, phòng chống cháy nổ, bão lũ; đảm bảo cung cấp điện lưới, thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi, phân luồng giao thông…).

Các trường phổ thông là điểm đăng ký dự thi cho học sinh lớp 12 và thí sinh tự do có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT; phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã là điểm đăng ký dự thi cho thí sinh tự do cư trú trên địa bàn có nguyện vọng xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Sở GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan và các quận, huyện thị xã hoàn thiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi; chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi tình hình diễn biến của dịch bênh, mưa bão, cung cấp điện.. để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị thi và các phương án đảm bảo tổ chức kỳ thi tại các quận, huyện, thị xã và các điểm thi; đồng thời thực hiện nghiêm các nhiệm vụ của kỳ thi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Với đặc thù là địa phương có quy mô kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nhất cả nước, lại tổ chức nhiều kỳ thi trong khoảng thời gian rất ngắn, lực lượng mỏng nên Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học để các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn về “các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân" cho phép thí sinh mang vào phòng thi; có hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được mang vào phòng thi...

Trả lời kiến nghị của Hà Nội, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng những đề xuất đó là cụ thể, chính đáng; Bộ GD&ĐT cũng rất đồng tình, đặc biệt sẽ cố gắng chủ động có quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay từ đầu năm học để hướng đến mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, đúng quy chế.