Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại TP Hà Nội có 79.263 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 70.746 thí sinh hệ THPT và 8.517 hệ GDTX, được tổ chức tại 143 điểm thi với 3.326 phòng thi. Năm nay có 9.443 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi; 1.448 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trên cả nước, các ca mắc mới liên tục xuất hiện, đặc biệt có đến 45 ca vừa được công bố dương tính với SARS-CoV-2, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông TP Hà Nội năm 2020 đã xây dựng các phương án để đảm bảo kỳ thi an toàn, vừa hoàn thành công tác chuyên môn, vừa đảm bảo các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Tại mỗi điểm thi, Sở GD&ĐT đề xuất bố trí 2 phòng thi dự phòng đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh theo quy định về giãn cách để sử dụng trong tình huống phát hiện thí sinh diện F2. Cả Hội đồng thi toàn thành phố bố trí 1 điểm thi nằm trong khu vực cách ly thuận lợi để tổ chức thi cho những thí sinh diện F1.
Tại điểm thi cách ly này sẽ có ít nhất 5 phòng thi theo quy định giãn cách xã hội được trang bị đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, có biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho các thành viên của điểm thi, cho Ban vận chuyển và bàn giao đề thi như: khử khuẩn, khẩu trang, đo thân nhiệt, áo bảo hộ,...
Sở GD&ĐT đề xuất khử khuẩn toàn bộ bài thi, hồ sơ của điểm thi cách ly trước khi nộp về Sở. TP cần có phương án, sẵn sàng phương tiện để đưa thí sinh đến điểm thi cách ly nếu trong quá trình dự thi thí sinh được xác định diện F1 và có phương án in sao đề thi cho điểm thi cách ly.
Đối với các ban in sao đề thi, ban làm phách, ban chấm thi, Sở GD&ĐT yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt và trang thiết bị y tế để phòng chống dịch, bệnh như: Đảm bảo đủ nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang và nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt. Chuẩn bị phòng cách ly có đủ các điều kiện để xử lý cách ly khi có tình huống bất thường xảy ra.
Sở GD&ĐT cũng tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể các thành viên tham gia Ban đề cao kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm của từng thành viên, thực hiện nghiêm mọi nội quy về công tác phòng, chống dịch, bệnh của ngành y tế và của ngành giáo dục và đào tạo. Các ban phải xây dựng kế hoạch hoạt động sao cho vừa đảm bảo hoàn thành công tác chuyên môn vừa đảm bảo các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Trong thời gian làm việc, các thành viên phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Sát khuẩn tay, đo thân nhiệt hàng ngày, vệ sinh, khử khuẩn phòng làm việc và các khu vực sinh hoạt chung theo quy định.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong đó có vai trò của cơ quan thường trực Sở GD&ĐT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các Sở, ngành, thành viên BCĐ bám sát phân công theo đúng tinh thần quy chế; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra…
Giao Sở GD&ĐT chủ trì kiểm tra các nội dung theo hướng dẫn; các Sở, ngành khác thực hiện theo nhiệm vụ phân công như kiểm tra công tác y tế; phân luồng giao thông; an ninh trật tự tại điểm thi…
Hà Nội là địa phương có số lượng người đi từ vùng dịch nên nguy cơ lây nhiễm cao. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GD&ĐT, Sở Y tế có hướng dẫn công tác phòng chống dịch cho từng điểm thi. Duy trì phòng y tế tại điểm thi; phun khử khuẩn các điểm thi trước khi thi; bố trí phương án giãn cách trong phòng thi; hướng dẫn thí sinh xếp hàng, rửa tay, sát khuẩn tay; khuyến khích các quận, huyện phân bổ khẩu trang cho thí sinh.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu cán bộ coi thi, chấm thi, làm công tác chuyên môn thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch; phụ huynh học sinh đưa thí sinh đi thi không tụ tập đông người…