Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp TP Hà Nội.
Huyện Đạ Tẻh là địa phương thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng (sau huyện Lâm Hà) có nhiều bà con từ Hà Nội vào từ thập niên 80 của thế kỷ XX theo phong trào xây dựng kinh tế mới. Hàng nghìn người dân từ các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì… đã đến đây, chung tay cùng người dân thuộc 13 dân tộc anh em trên địa bàn xây dựng quê hương mới.
Huyện Đạ Tẻh, hiện có hơn 3.000 hộ với khoảng 13.000 dân là người đến từ Hà Nội, sinh sống chủ yếu ở 3 xã Mỹ Đức, Quốc Oai, Đạ Kho.
Bà con miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng có tinh thần chịu khó, cần cù lao động, chăm lo phát triển kinh tế gia đình; đa số bà con gốc Hà Nội có đời sống ổn định và khá giả; nhiều người con TP Hà Nội tham gia bộ máy chính quyền, giữ các trọng trách quan trọng của địa phương.
Qua hơn 30 năm lập nghiệp và sinh sống tại Đạ Tẻh, bà con gốc TP Hà Nội đã coi Đạ Tẻh là quê hương thứ 2 của mình. Tuy nhiên qua thống kê, hiện nay bà con gốc Hà Nội còn 112 hộ nghèo, cận nghèo; 135 hộ gia đình chính sách, trong đó Mỹ Đức (53 hộ nghèo, hộ cận nghèo, 73 hộ gia đình chính sách); Quốc Oai (17 hộ nghèo và cận nghèo, 11 hộ gia đình chính sách); Đạ Kho (42 hộ nghèo và cận nghèo, 55 hộ gia đình chính sách).
Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cũng cho biết thêm, thời gian qua, huyện luôn nhận được sự quan tâm của các địa phương TP Hà Nội cũng như các địa phương thuộc TP như Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên của TP Hà Nội... Năm 2011, huyện Quốc Oai vào thăm, hỗ trợ xã Quốc Oai công trình 500 triệu đồng, cộng với nguồn đối ứng của huyện Đạ Tẻh đã xây nhà văn hóa thôn Hà Mỹ. Năm 2014, huyện Thường Tín vào thăm, hỗ trợ xã Mỹ Đức công trình đường giao thông thôn 4 trị giá 520 triệu đồng.
Thời gian tới, lãnh đạo huyện Đạ Tẻh đề xuất TP Hà Nội hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương như: Trái cây, tơ tằm, các sản phẩm OCOP; xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch...
Trước những đề xuất của huyện Đạ Tẻh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại TP Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, Hà Nội có nhiều chương trình quảng bá sản phẩm, do đó Đạ Tẻh cần có sản phẩm thực sự là đặc sản để tham gia các chương trình quảng bá. Vào tháng 11/2023, sẽ có lễ hội sản phẩm vùng, miền tổ chức tại Hà Nội, đây là cơ hội đưa sản phẩm quảng bá với thế giới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ, Đạ Tẻh là huyện còn khó khăn so với các huyện của tỉnh Lâm Đồng, nhưng được chứng nhận là huyện nông thôn mới (NTM), đang vươn lên NTM nâng cao.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi thăm 3 xã Quốc Oai, Mỹ Đức và Đạ Kho, thấy bà con Hà Nội vào đây nhận được đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ của địa phương, cộng với tính cần cù vươn lên đã chứng minh bà con đã đóng góp một phần vào sự phát triển của huyện. Chúng tôi rất mừng trong 3 xã NTM nâng cao, có 3 xã có bà con gốc Hà Nội, điều này nói lên phẩm chất, cốt cách của người Thủ đô không những được duy trì mà còn phát huy trên vùng đất mới”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy, huyện Đạ Tẻh tuy không có lợi thế trong phát triển kinh tế, nhưng huyện có những tiềm năng lợi thế vô cùng lớn nếu so với địa phương khác. Đó là kết nối giao thông, cách TP Hồ Chí Minh chưa tới 90 phút di chuyển bằng ô tô. Lợi thế tiếp theo là đất đai, thổ nhưỡng; nguồn nhân lực về cơ bản không quá đông nhưng chịu thương chịu khó, đa phần bà con đều cho con em học lên đại học.
Hà Nội xác định Đạ Tẻh là một phần của Hà Nội nên các cấp, các ngành và bà con Thủ đô luôn mong muốn chia sẻ các công việc của địa phương, trước hết trên 3 lĩnh vực chính:
Một là, các sở, ngành của Hà Nội sẽ hỗ trợ huyện Đạ Tẻh tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu thế mạnh tại Thủ đô để kết nối đầu tư, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Hai là, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ huyện Đạ Tẻh làm tốt công tác quy hoạch, tạo nền móng phát triển vững chắc lâu dài; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu mới trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Cùng với đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ huyện Đạ Tẻh phát triển văn hóa, giáo dục. Trước mắt, phối hợp triển khai Ngày Hà Nội tại địa phương...
Ba là, Hà Nội sẽ hỗ trợ huyện trong chuyển đổi số cả trong công tác Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, đề nghị tặng huyện Đạ Tẻh một công trình thể hiện sự hiện diện, sự gắn kết của Thủ đô tại đây.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị các huyện của Hà Nội có bà con đang sinh sống tại Đạ Tẻh phối hợp với các cấp chính quyền huyện Đạ Tẻh cùng chăm lo, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống bà con, góp phần cùng địa phương phát triển.
"Chuyến công tác hôm nay là sự khởi đầu của mối quan hệ giữa hai địa phương. Chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện các phần việc để gìn giữ và phát huy hơn nữa mối quan hệ đặc biệt này", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Nhân chuyến thăm và làm việc tại huyện Đạ Tẻh, TP Hà Nội cũng tặng 250 suất quà cho bà con gốc Hà Nội sống tại 3 xã nêu trên. Đồng thời, tặng cho Quỹ An sinh xã hội của huyện 100 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân sinh sống ở xã khác.