Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính: Giải quyết tốt chế độ cho cán bộ

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Lãnh đạo UBND TP khẳng định, để giải quyết hiệu quả các vấn đề cơ bản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, một giải pháp quan trọng là tập trung thực hiện tốt sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành Nội vụ diễn ra chiều nay (20/12), thay mặt lãnh đạo UBND TP Hà Nội tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã tham luận về “Phương án giải quyết những vấn đề cơ bản sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã (liên quan đến cán bộ dôi dư, trụ sở, tài sản cộng) trên địa bàn TP Hà Nội”

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, TP Hà Nội luôn nhận thức, công tác sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu các tiêu chí, tại 30 ĐVHC cấp huyện, 579 ĐVHC cấp xã, Hà Nội có 173 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, từ đó TP đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ thống nhất thông qua.

Theo Phương án, sau khi thực hiện sắp xếp, TP có 30 ĐVHC cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến có 509 ĐVHC cấp xã (321 xã, 168 phường, 20 thị trấn), giảm 54 xã, 15 phường, 1 thị trấn. Sau khi sắp xếp, TP sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn. Vì vậy, để giải quyết hiệu quả các vấn đề cơ bản sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong quá trình sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025, TP đề ra một số phương án giải quyết những vấn đề cơ bản đã xác định.

Cán bộ công chức UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân
Cán bộ công chức UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân

Phương án thứ nhất, TP tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp ĐVHC; chế độ, chính sách đặc thù đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã và các nội dung khác liên quan về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Hiện tại, Ban Thường vụ Thành ủy đã định hướng xây dựng các phương án luận chuyển, điều động sắp xếp phù hợp; UBND TP đã chỉ đạo 73 đơn vị xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC. Song song với xây dựng Đề án, xác định phải rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với thực hiện tinh giản biên chế. Việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương và thời hạn quy định.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp tháng 12 vừa qua, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp ĐVHC cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư nghỉ công tác do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn TP Hà Nội.

Đồng thời, ban hành Nghị quyết về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp hàng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố: mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội.

Một góc TP Hà Nội nhìn từ hướng Tây (ảnh: Công Hùng)
Một góc TP Hà Nội nhìn từ hướng Tây (ảnh: Công Hùng)
 

Kết quả qua rà soát, toàn TP có 182 cơ sở nhà, đất thuộc danh mục phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. UBND các quận, huyện, thị xã đã lập danh mục và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn ĐVHC thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030, cụ thể: Dự kiến giữ lại tiếp tục sử dụng: 155; điều chuyển: 5; chuyển giao về địa phương xử lý: 22 cơ sở nhà, đất thuộc danh mục phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Phương án thứ hai, đó là UBND TP tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC cấp huyện.

Căn cứ quy định pháp luật, thời gian qua, UBND TP ban hành 4 văn ban chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát tổng thể các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng; đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, để tổng hợp, trình UBND TP xem xét, phê duyệt theo đúng quy định và thẩm quyền.

Để công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giải quyết những vấn đề cơ bản sau sắp xếp đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định, Hà Nội sẽ tập trung làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao.

Song song đó, TP sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, làm tốt công tác tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phương án xử lý tài sản cộng; nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông; tiêu chí đô thị... đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, tập trung chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 theo đúng quy định.