Hà Nội sẽ có các trung tâm tiếp vận hiện đại

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/9, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng tổ chức Hội thảo tham vấn Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Xây dựng các bến xe trung hạng, bãi đỗ xe P&R; quy hoạch bến bãi đỗ xe ngầm; bố trí điểm dừng, đỗ xe đón trả khách, đặc biệt các Trung tâm tiếp vận, là một trong những nội dung quan trọng nhất của Đề án Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Minh họa. Nguồn Internet
Minh họa. Nguồn Internet
Theo khảo sát của Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội, hiện TP có 9 bến xe khách liên tỉnh, 3 bến nội tỉnh. Các bến xe đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên trong các kỳ lễ, tết vẫn xảy ra tình trạng quá tải. Hơn nữa, một số bến chưa đảm bảo các yếu tố: vị trí, quy mô, tiện nghi phục vụ hành khách. Đặc biệt nhiều bến còn nằm trong nội thành, ảnh hưởng lớn đến giao thông khu vực như Mỹ Đình, Giáp Bát…

Về các bãi, điểm đỗ xe, khảo sát của Viện Quy hoạch xây dựng chỉ rõ, với diện tích khoảng 37,88ha, chiếm 0,12% diện tích đất các quận thì diện tích bãi, điểm đỗ xe mới chỉ đáp ứng được từ 8 - 10% tổng nhu cầu đỗ xe theo đầu phương tiện. 90% số còn lại đỗ ở các nơi như: điểm đỗ xe chung cư, trung tâm thương mại; đỗ xe tại sân cơ quan, công sở, trường học; tại khu đất trống của các dự án. Riêng các Trung tâm tiếp vận đúng nghĩa thì chưa hề có.

Trước tình hình đó, Viện quy hoạch xây dựng cũng đưa ra những nguyên tắc chặt chẽ, khoa học nhằm bố trí lại vị trí bãi đỗ xe công cộng, xe trung chuyển P&R, xe buýt, xe tải trong TP. 

Quy hoạch cũng đề cập đến việc xây dựng thêm các bến xe mới. Theo đó sẽ có 11 bến xe với tổng diện tích là 65,60ha, trong đó 7 vị trí sẽ được quy hoạch theo mô hình Trung tâm tiếp vận hiện đại. Các bến xe Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe công cộng và điểm trung chuyển xe buýt vào giai đoạn 2020 - 2030; cùng với đó xây dựng các bến xe mới là Nội Bài, Đông Anh, Cổ Bi, Phùng, phía Tây, phía Nam; riêng bến xe Yên Nghĩa được giữ nguyên.

Đồ án quy hoạch của Viện quy hoạch xây dựng đã thu hút nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông. Ngoài những điểm phù hợp, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm hạn chế và đóng góp thêm để Đồ án được hiện thực hóa

Ông Phạm Hoài Chung - đại diện Viện chiến lược phát triển Bộ GTVT cho rằng: Về cơ bản, đồ án đã chỉ ra được những việc cần giải quyết. Tuy nhiên, cần so sánh với quy hoạch xương sống trước đó là quy hoạch 165 để từ đó có sự kế thừa những mặt tích cực và rà soát những mặt chưa hợp lý. Cùng với đó là cụ thể hóa quy hoạch đối với từng phương diện như tính kết nối, phân bổ lưu lượng vận tải của các trung tâm tiếp vận; định hướng rõ kế hoạch lâu dài cho các bến xe tải, bến xe khách….

Từ những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ cùng với Viện quy hoạch xây dựng tiếp thu và nhanh chóng bổ sung vào Đồ án Quy hoạch GTVT Hà Nội. “Quan điểm của những người làm quy hoạch là không lặp lại vết xe cũ, để đồ án cho ra được sản phẩm chứ không trở thành Đồ án treo” ông Tuấn nói.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần