Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021; Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23/12/2019 của Bộ Nội vụ về tổ chức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 93/QĐ-UBND ngày 8/1/2021 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính TP Hà Nội năm 2021. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 24/02/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn TP Hà Nội. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra TP đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐTP ngày 29/01/2021 về Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Kế hoạch số 03/KH-BCĐTP ngày 24/02/2021 về Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn TP; Thông báo số 02/TB-BCĐTP ngày 29/01/2021 phân công nhiệm vụ và công tác phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra TP, đồng thời hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thành lập BCĐ các cấp và thực hiện tổng điều tra.
Cục Thống kê TP Hà Nội đã triển khai tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn từ ngày 1/3/2021. Đến thời điểm hiện tại, công tác điều tra đang được thực hiện theo đúng kế hoạch. Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tổng điều tra TP Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết, trong quá trình thực hiện và chuẩn bị tổng điều tra, BCĐ TP đã xác định một số thuận lợi và khó khăn nhất định, cần lưu ý trong triển khai công việc. Ngay từ đầu TP đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của BCĐ T.Ư, trong đó Tổng cục Thống kê đã chọn Hà Nội là một trong những địa phương tiến hành điều tra thí điểm của tổng điều tra kinh tế, nên khi triển khai chính thức đã thuận lợi hơn trong công tác tổ chức thực hiện và nghiệp vụ chuyên môn.
UBND các cấp của TP đều quan tâm chỉ đạo, sớm ban hành Quyết định thành lập BCĐ và Tổ thường trực giúp việc BCĐ tổng điều tra, bảo đảm đúng yêu cầu về tiến độ nên công tác triển khai rất thuận lợi. Việc tổng điều tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành TP trong công tác rà soát, lập danh sách đơn vị điều tra, nhất là đối với DN. Đáng ghi nhận là có sự tham gia của một số trường Đại học trên địa bàn trong việc tuyển chọn điều tra viên tham gia tổng điều tra
Đặc biệt, TP Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, nơi tập trung các cơ quan Đảng, nhà nước, cơ sở kinh tế và có nhiều trường Đại học… chính vì vậy, trình độ dân trí và ứng dụng công nghệ thông tin khá cao, nên việc điều tra bằng phiếu điều tra điện tử (gọi tắt là CAPI) và Webform trong cuộc tổng điều tra sẽ thuận lợi.
Bên cạnh đó, việc tiến hành điều tra cũng gặp một số khó khăn. Do Hà Nội có đặc thù rất rộng với 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn; Số lượng đơn vị triển khai để thu thập thông tin rất lớn; dự kiến khoảng 200.000 DN, 4.000 đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, văn phòng đại diện và trên 380.000 cơ sở sản xuất cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng nên khối lượng công việc nhiều, phức tạp, nhất là đối với công tác rà soát đơn vị điều tra.
Công tác chuẩn bị và tiến hành điều tra giai đoạn 1, trong tháng 2 gặp phải khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại một số địa phương, việc huy động số lượng lớn điều tra viên là sinh viên gặp khó khăn do sinh viên vẫn chưa trở lại trường học tập (Hà Nội phải huy động khoảng gần 1.000 điều tra viên, trong đó lực lượng điều tra viên là sinh viên chiếm trên 30%).
Ông Đậu Ngọc Hùng nhấn mạnh, để đảm bảo cuộc tổng điều tra đạt kết quả tốt nhất, BCĐ TP tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành và BCĐ các cấp khẩn trương thực hiện nhiệm vụ. Cục Thống kê với vai trò cơ quan thường trực của BCĐ tổng điều tra TP đã triển khai, tổ chức, thực hiện toàn diện cuộc tổng điều tra kinh tế theo Phương án của BCĐ T.Ư.
Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, giám sát viên được BCĐ quan tâm. Ngoài lực lượng điều tra viên do BCĐ các cấp tuyển chọn, BCĐ TP chủ động liên hệ với một số trường đại học trên địa bàn để tuyển thêm sinh viên đủ điều kiện tham gia làm điều tra viên và có kế hoạch tập huấn riêng, đạt yêu cầu khi điều tra.
Công tác tuyên truyền cũng được TP chú trọng, BCĐ TP đã ban hành Kế hoạch công tác tuyên truyền tổng điều tra trên địa bàn TP. Sắp tới sẽ huy động tối đa các hình thức tuyên truyền nêu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc tổng điều tra và trách nhiệm của đối tượng điều tra trong cung cấp thông tin với điều tra viên, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc Tổng điều tra. UBND TP đã ban hành Chỉ chị 06 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn TP.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và TP Hà Nội. Do vậy, BCĐ TP quyết tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện cũng như mong muốn các đơn vị, cá nhân, tổ chức nhiệt tình hưởng ứng và tạo điều kiện để thu được kết quả cao nhất, theo đúng kế hoạch đề ra.