Hà Nội sớm hiện thực hóa không gian ngầm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là TP đầu tiên trong cả nước đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.

Để quy hoạch sớm được hiện thực hóa, nhiều ý kiến cho rằng TP cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể với từng mốc thời gian cùng các nguồn lực thực hiện tương ứng.

Đô thị đầu tiên có quy hoạch ngầm

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định “Tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng, quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị…”.

Sơ đồ về vị trí, ranh giới và quy mô Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.
Sơ đồ về vị trí, ranh giới và quy mô Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.

Dự thảo Luật Thủ đô đang được soạn thảo cũng dự kiến đưa nội dung về quy hoạch, quản lý không gian ngầm, biện pháp khuyến khích đầu tư, khai thác không gian ngầm. Như vậy có thể thấy, quy hoạch, quản lý không gian ngầm đã được định hướng rõ nét và đang trở nên bức thiết đối với Hà Nội.

Thấy rõ tầm quan trọng của không gian ngầm, Hà Nội đã nghiên cứu từ nhiều năm và đến tháng 3/2022, UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm khu vực đô thị trung tâm; đồng thời nhằm khớp nối, kết nối đồng bộ các không gian xây dựng ngầm trên địa bàn TP.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, thực trạng quản lý không gian ngầm, công trình ngầm trong giai đoạn vừa qua thiếu sự cập nhật, thống kê, nhất là tồn tại đa dạng công trình ngầm như công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình năng lượng, thông tin ngầm, công trình an ninh quốc phòng…

Do đó, quá trình triển khai nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm gặp rất nhiều khó khăn. Khi thực hiện công tác điều tra, khảo sát hiện trạng công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật ngầm đã phải liên hệ tới 38 cơ quan, đơn vị liên quan để được phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu.

Việc TP Hà Nội là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm cho thấy sự cố gắng rất lớn của các đơn vị tư vấn, sự đóng góp của chuyên gia. Bản quy hoạch được duyệt đã mở ra một giai đoạn xây dựng phát triển đô thị không chỉ là chiều ngang mà còn là chiều sâu, tạo một hệ thống không gian đô thị đồng bộ và khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai.

Quy hoạch đã dự báo được nhu cầu sử dụng không gian xây dựng ngầm, phân vùng chức năng để nghiên cứu xây dựng công trình ngầm. Đồng thời, đã định hướng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống công trình công cộng ngầm tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng (TOD), mạng lưới giao thông ngầm, bãi đỗ xe công cộng ngầm.

Đặc biệt, để đảm bảo tính khả thi, bản quy hoạch đề xuất các nguồn lực thực hiện, phân kỳ đầu tư hợp lý và xác định được yêu cầu quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.

Sớm tháo gỡ những nút thắt

Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dưng) PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, sau khi bản quy hoạch chung được phê duyệt, TP Hà Nội cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện với thời gian cùng các nguồn lực tương ứng. Việc xây dựng và vận hành công trình ngầm phải dùng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị phức tạp nên chi phí thường cao hơn nhiều so với công trình trên mặt đất.

Do đó, TP cần xây dựng cơ chế, chính sách huy động khu vực tư nhân tham gia; hợp tác công tư trong xây dựng công trình ngầm, trước mắt xây dựng ga tàu điện ngầm là trung tâm do Nhà nước đầu tư phối hợp với các nhà đầu tư khác xây dựng các trung tâm công cộng, thương mại, dịch vụ đi cùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, trong quy hoạch đã chỉ ra khá rõ, các đầu mối giao thông công cộng lớn của TP (ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia) sẽ là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Đồng thời, đã định hướng rất rõ phát triển đô thị theo mô hình TOD, nghĩa là phát triển đô thị dựa trên các đầu mối giao thông. Tuy nhiên, trong danh mục, hạng mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến 2030, phần lớn lại là các công trình riêng lẻ, phân tán.

“Căn cứ vào quy hoạch chung không gian ngầm, phối hợp đồng bộ với việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị số 1 đang chuẩn bị triển khai, trong đó nhà ga Hà Nội vừa được bàn giao cho Hà Nội, trước mắt nên nghiên cứu thí điểm xây dựng một TOD tại khu vực này. Đây là địa điểm thuận lợi trong việc triển khai mô hình TOD khi hội tụ đủ các điều kiện về không gian trên không, mặt đất, dưới ngầm, có nhà ga kết nối và có thể kêu gọi đầu tư vào các công trình công cộng, nhà ở xung quanh khu vực…” - PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đề xuất.

Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, để đồ án quy hoạch không gian ngầm phát huy giá trị trong thực tiễn rất cần phải điều chỉnh, hoàn thiện các cơ sở pháp luật có liên quan, cụ thể là Luật Đất đai. Quyền về sử dụng đất đai phần không gian ngầm đóng vai trò rất quan trọng trong quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm.

Tuy nhiên, các quy định của Luật Đất đai 2013 và các hướng dẫn không rõ ràng và ngay tại dự thảo Luật Đất đai lần này vẫn không cụ thể quy định có liên quan đến sử dụng đất để quy hoạch, xây dựng, quản lý không gian ngầm. Đây có thể coi là một “nút thắt”, cản trở kêu gọi các nguồn lực đầu tư.

Đặc biệt, để không làm ảnh hưởng đến quá trình thi công các công trình ngầm, cũng cần hoàn thiện và tháo gỡ những vướng mắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, xây dựng công trình ngầm (độ an toàn, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước; quy định vùng hạn chế, phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn của công trình ngầm đặc biệt các tuyến tàu điện ngầm...).

Ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật và đơn giá phù hợp với điều kiện của Hà Nội đối với từng công trình sử dụng vốn Nhà nước.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, sau khi đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm được duyệt, TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sở, ngành chức năng thực hiện những bước tiếp theo. Trong đó có giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan rà soát, đề xuất danh mục các khu vực lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị.

Hiện nay, Viện Quy hoạch đang khẩn trương rà soát, đề xuất danh mục những khu vực lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị để trình TP phê duyệt.

 

Không gian ngầm là tài nguyên quý báu cần được nghiên cứu và khai thác có hiệu quả. Không gian ngầm đã và sẽ là một phần của đời sống đô thị hiện đại. Việc quy hoạch, quản lý và khai thác không gian ngầm là rất cần thiết để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị, năng lực cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện sinh thái đô thị… hướng tới phát triển đô thị hiện đại và bền vững." - Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng (Bộ Xây dựng) PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần