Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Su hào, cải thảo đạt chất lượng vượt trội nhờ bón phân sinh học

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành công bước đầu của mô hình ứng dụng phân bón sinh học WEHG trên cây rau tại xã Văn Đức sẽ tạo sức lan tỏa để Hà Nội phát triển mạnh phong trào sản xuất hữu cơ.

Sáng 5/1, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức đánh giá kết quả thử nghiệm phân sinh học trên cây rau tại Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm). Tham dự có đông đảo nông dân sản xuất rau, cán bộ hợp tác xã, khuyến nông các huyện đến tham quan, học tập mô hình.

Các đại biểu tham quan thực tế mô hình trồng su hào bón phân sinh học.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, là một trong những địa phương sản xuất rau an toàn lớn của Hà Nội với hơn 200ha rau chuyên canh, hàng năm, Văn Đức cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau các loại. Đặc biệt, những năm gần đây, Văn Đức trở thành vựa su hào, cải thảo khu vực phía Bắc.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững, hiệu quả với việc sử dụng phân sinh học là xu hướng tất yếu, trong những năm qua, HTX đã đưa nhiều loại phân bón sinh học vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường trong sản xuất rau màu các loại.

Vớ mục đích giúp nông dân sản xuất thêm thông tin về việc sử dụng phân bón và lựa chọn loại phân bón hiệu quả, vụ Thu Đông năm 2020 - 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Công ty CP Thế giới thông minh, Trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm phối hợp với HTX triển khai thực hiện mô hình Thử nghiệm phân sinh học WEHG trên cây su hào, cải thảo quy mô 1ha với 10 hộ dân tham gia.

 Các đại biểu đánh giá hiệu quả bón phân sinh học trên cây cải.

Bà Đinh Thị Luyến (thôn Sơn Hô, xã Văn Đức) chia sẻ, dù mới thử nghiệm trong một lứa rau nhưng 0,5ha rau cải thảo của gia đình đã được nâng cao rõ rệt về mẫu mã và chất lượng; đặc biệt là cải tạo môi trường đất, tăng độ phì nhiêu, cân bằng trạng thái sinh vật đất, tác động trực tiếp lên bộ rễ giúp rễ cây tăng trưởng và hoạt động mạnh. Đáng chú ý, khi sử dụng phân bón sinh học WEHG, giúp cây tạo được lớp diệp lục dày, tránh sâu bệnh tấn công và chống chọi tốt hơn với thời tiết, từ đó cây đạt năng suất, chất lượng vượt trội.

“Chúng tôi kiến nghị TP và các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ địa phương đưa thêm các loại phân sinh học giúp cây trồng phát triển tốt, bảo vệ môi trường, nông dân thuận lợi trong sản xuất rau hữu cơ” - bà Đinh Thị Luyến đề xuất.

 Nông dân xã Văn Đức chăm sóc rau cải.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, sản xuất hữu cơ không chỉ là xu thế mà là lựa chọn của ngành nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới. Trước đó, Hà Nội đã ban hành 30 quy trình sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng khác nhau.

Để hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ, ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ các địa phương đưa các loại phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất. Thành công bước đầu của mô hình ứng dụng phân bón sinh học WEHG tại xã Văn Đức là tiền đề để ngành phối hợp với các địa phương tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn trên loại cây trồng khác và các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, tạo sức lan tỏa cho phong trào sản xuất hữu cơ trên địa bàn TP phát triển mạnh mẽ.