Hà Nội: Tận dụng tối đa nguồn nước gieo cấy vụ Xuân 2022

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi các hồ chứa thuỷ điện kết thúc đợt xả đầu tiên chống hạn vụ Xuân 2022, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thuỷ lợi vận hành hàng chục trạm bơm nhằm tận dụng tối đa nguồn nước phục vụ gieo cấy cho bà con nông dân.

Nhiều trạm bơm chính chưa thể vận hành

Từ sáng 4/1 đến nay, trạm bơm dã chiến Phù Sa (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Tích) vẫn được vận hành không ngừng nghỉ. 30 cán bộ, nhân viên tại trạm bơm được phân thành 3 ca, túc trực 24/24 giờ để giám sát, kịp thời khắc phục sự cố, duy trì hoạt động của các tổ máy bơm.

Công nhân vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa phục vụ lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Công nhân vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa phục vụ lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Tương tự, tại trạm bơm dã chiến Bá Giang nằm ven sông Hồng, công tác lấy nước vẫn được duy trì liên tục suốt gần 1 tuần qua. Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi Đan Hoài (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy) Nguyễn Hải Trường cho biết, sau đợt xả đầu tiên, đơn vị tiếp tục bố trí cán bộ tập trung vận hành trạm bơm trên để lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước trên sông Hồng để sẵn sàng đưa vào khai thác trạm bơm Đan Hoài khi điều kiện mực nước thuận lợi. 

 

“Các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều khu vực cấp nước khó khăn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cần tập trung rà soát những diện tích gieo cấy có khả năng bị thiếu nước. Tiến hành lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện phương án bổ sung nguồn nước, bảo đảm không để diện tích nào bị thiếu nước sản xuất trong vụ Xuân năm nay”.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT).

Với sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp thuỷ lợi, đến nay, toàn TP đã có hơn 4.000ha diện tích gieo cấy vụ Xuân 2022 có nước (bằng khoảng 4,8% kế hoạch). Trong đó, Chương Mỹ và Ứng Hoà là 2 địa phương có diện tích lấy nước đạt lớn nhất với khoảng 1.100ha/mỗi địa phương.

Dù tiến độ lấy nước của TP vẫn được bảo đảm, tuy nhiên trong đợt 1 chống hạn vừa qua, nhiều trạm bơm chính và cống lấy nước của Hà Nội chưa thể vận hành do điều kiện nguồn nước không thuận lợi. Trong số này có: Trạm bơm Sơn Đà, trạm bơm Trung Hà, trạm bơm Ấp Bắc; cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc… Đây đều là những công trình thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng đối với công tác chống hạn vụ Xuân hàng năm của Hà Nội.

Sẵn sàng cho đợt lấy nước thứ hai

Thực tế cho thấy, mực nước tại trạm thuỷ văn Hà Nội trong đợt lấy nước đầu tiên bị tác động mạnh của thuỷ triều nên việc duy trì mực nước tại điểm quan trắc này không bảo đảm ở mức 1,7m. Dù các hồ chứa thủy điện: Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã tăng cường phát điện từ 12 giờ ngày 1/1/2022, tuy nhiên tổng thời gian duy trì mực nước ở mức 1,7m theo yêu cầu kế hoạch ban đầu chỉ là 38/72 giờ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trạm bơm và cống lấy nước của Hà Nội gặp khó trong việc vận hành.

Vận hành lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022 tại trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh).
Vận hành lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022 tại trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh).

Theo Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), đợt 2 lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/1 đến 24 giờ ngày 22/1/2022 (tổng cộng 8 ngày). Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tăng cường vận hành phát điện tối đa công suất các tổ máy trước khoảng 2 - 3 ngày. Dòng chảy sẽ được duy trì ở mức cao, trong đó, mực nước tại trạm thuỷ văn Hà Nội dự kiến đạt trung bình 1,9m.

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết, hiện nay, đơn vị đang tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi vận hành đưa nước vào hệ thống kênh, mương, ao, hồ, đồng ruộng trong điều kiện nguồn nước cho phép. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết cho việc lấy nước, đổ ải vào đợt 2.

Đại diện Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan quản lý hồ chứa giám sát, vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi đúng quy trình, thời vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Đây là phương án quan trọng để cung cấp nước cho những diện tích canh tác vụ Xuân 2022 thường xuyên gặp khó về nguồn nước, nhất là khi các trạm bơm chính không thể vận hành.