Diện tích sản xuất đạt hơn 28.000ha
Trong bão số 3 (Yagi), trồng trọt là lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại ước tính hàng chục ngàn tỷ đồng. Không chỉ vậy, điều này còn có nguy cơ tác động đến nguồn cung nông sản, thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, Hà Nội xác định phát triển cây vụ Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch, phấn đấu diện tích gieo trồng đạt 32.000 - 33.000ha (tăng 3.000 - 4.000ha so với kế hoạch đầu năm 2024).
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, các loại rau màu ngắn ngày được đơn vị ưu tiên đưa vào sản xuất ngay sau bão số 3. Nhờ đó đến nay, hợp tác xã đã có sản phẩm cung ứng thường xuyên cho thị trường.
Tại các địa phương, chính quyền khuyến khích bà con nông dân mở rộng tối đa diện tích cây trồng nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra. Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, tính đến trung tuần tháng 11/2024, tổng diện tích gieo trồng crau màu trên địa bàn TP đạt hơn 28.000ha, bằng khoảng 90% so với kế hoạch gieo trồng vụ Đông 2024.
Phấn đấu gieo trồng hết diện tích
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình những tháng cuối năm 2024 xấp xỉ đến cao hơn giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; tổng lượng mưa ở Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm. Điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất vụ Đông.
Để bảo đảm mục tiêu gieo trồng diện tích tăng thêm từ 3.000 - 4.000ha, các địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con nông dân tích cực gieo trồng cây vụ Đông còn thời vụ như: khoai tây, rau ưa lạnh, ngô sinh khối, ngô quà...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cho cây trồng.
“Chúng tôi vẫn đang bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích cây vụ Đông. Phát triển nhóm cây vụ Đông có lợi thế, có khả năng bảo quản dài và có thị trường tiêu thụ tốt…” - bà Hoàng Thị Hà nói thêm.
Về phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Chi cục trưởng Lưu Thị Hằng cho biết đã có văn bản từ sớm phân công cán bộ cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc một số cây trồng chính trong vụ Đông 2024. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.
Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và ứng dụng cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả canh tác cây trồng vụ Đông, bảo đảm nguồn cung nông sản cho dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 cũng đang được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chú trọng. Song song với đó, Chi cục cũng đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ mục tiêu xuất khẩu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vụ Đông.