Chiều 9/8, Sở Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã thông tin về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2016 - 2017 và mức thu học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập đến năm học 2020 - 2021. Lý giải nguyên nhân đề xuất tăng học phí, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, mức học phí trong năm học 2015-2016 là mức thu thấp nhất trong khung quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Với mức thu này, TP Hà Nội thu được khoảng 287,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,7% tổng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp của ngành giáo dục, trong khi kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại buổi giao ban báo chí chiều 9/8. |
Mức thu học phí hiện nay của Hà Nội ở mức thấp nhất trong khung học phí, trong khi đó các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Kinh phí còn lại 60% nguồn thu học phí được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập. Do đó, các đơn vị đều gặp hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng mức tăng học phí năm học 2016 – 2017 đối với vùng thành thị tăng 20.000 đồng; nông thôn tăng 10.000 đồng; miền núi tăng thêm 2.000 đồng so với năm học 2015 – 2016. Trước các câu hỏi về vấn đề lạm thu thường xảy ra đầu năm học, ông Lê Ngọc Quang cho biết việc tăng học phí sẽ là một hình thức giúp giảm lạm thu. Sở GD&ĐT đã tham mưu với TP Hà Nội và các sở ngành có biện pháp chấn chỉnh lạm thu vào đầu năm học như làm rõ các khoản thu bắt buộc, thu tự nguyện, thu hộ và quy trình thu. Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra vào đầu năm học để nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.