Hà Nội: Tăng phối hợp, nâng tính chủ động, kỷ cương trong xây dựng nghị quyết

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng nay, 25/2, Thường trực HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND TP năm 2022 và các năm tiếp theo; thống nhất dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp chuyên đề tháng 3/2022 của HĐND TP.

Dự Hội nghị có: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn;  Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Cùng dự có các ủy viên Thường trực HĐND TP, ủy viên UBND TP; lãnh đạo các Ban Đảng Thành ủy, các Ban HĐND TP, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, Văn phòng UBND TP, Văn phòng UB MTTQ Việt Nam TP; các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Tại đây, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn trình bày báo cáo của UBND TP về kết quả ban hành Nghị quyết QPPL năm 2021 và danh mục Nghị quyết QPPL năm 2022 thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND TP cho hay, năm 2021, HĐND TP đã ban hành 19 nghị quyết QPPL, gồm 36 nội dung theo đề nghị của UBND TP. Các văn bản được ban hành trong 3 kỳ họp. Theo danh mục năm 2021, có 36 nội dung cần ban hành nghị quyết, trong đó: 7 nội dung các sở ngành xin hoãn, lùi thời gian, chưa ban hành và 1 nội dung chuyển sang xây dựng quyết định (UBND TP đã ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND về phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH). Như vậy so với danh mục năm 2021, ngoài 23 nội dung đã ban hành thì có 8 nội dung đề nghị được tạm hoãn, dừng, lùi thời hạn hoặc chuyển sang xây dựng quyết định; còn 5 nội dung chưa trình HĐND TP ban hành theo đúng tiến độ.

Từ đó, trên cơ sở kết quả rà soát thống nhất của các cơ quan thuộc HĐND, UBND TP và báo cáo của Sở Tư pháp, UBND TP xây dựng danh mục nghị quyết của HĐND TP đề nghị ban hành trong năm 2022 gồm 30 nội dung, chia theo kỳ họp HĐND TP: Kỳ họp giữa năm có 13 nội dung, kỳ họp cuối năm có 16 nội dung, các kỳ không thường kỳ có 1 nội dung trình Kỳ họp tháng 3/2022. UBND TP đề nghị Thường trực HĐND TP xem xét thống nhất với UBND TP để quyết định ban hành danh mục, làm căn cứ cho các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện ngay trong quý I/2022; đồng thời chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội & HĐND TP, các Ban của HĐND TP tăng cường công tác phối hợp, theo dõi, giám sát quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết ngay từ giai đoạn chuẩn bị ban đầu để đảm bảo tính thống nhất, hợp pháp, khả thi và chất lượng dự thảo.

Các đại biểu tham gia thảo luận
Các đại biểu tham gia thảo luận

Tiếp đó, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên trình bày Kế hoạch của HĐND TP triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTV Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-Kl/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cho biết: HĐND TP đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát các nghị quyết do HĐND TP đã ban hành để đề xuất HĐND TP ban hành nghị quyết QPPL trong nhiệm kỳ 2021-2026 trên các lĩnh vực, nội dung quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/3/2022. Đề nghị Sở Tư pháp chủ trì phối hợp Ban Pháp chế HĐND TP và các sở, ngành TP thường xuyên hằng năm tổng hợp kết quả rà soát, trong đó làm rõ nghị quyết cần sửa đổi bổ sung và nghị quyết cần ban hành văn bản thay thế, báo cáo Thường trực HĐND TP trước ngày 31/3/2022. Trên cơ sở báo cáo đó, Thường trực HĐND và UBND TP thống nhất kết quả rà soát, đề xuất ban hành danh mục nghị quyết sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới trong nhiệm kỳ 2021-2026, chậm nhất trước ngày 10/4/2022. Từ đó, HĐND TP chủ trì ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch định hướng xây dựng nghị quyết QPPL của HĐND TP khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, hoàn thành trong tháng 5/2022.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP, UBMTTQ Việt Nam TP, các sở, ban, ngành liên quan đã tiến hành thảo luận. Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đánh giá, 10 ý kiến từ lãnh đạo UBND TP, UB MTTQ Việt Nam TP và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của TP đã làm rõ nhưng thuận lợi, khó khăn trong thời gian qua và đề xuất những giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn công tác xây dựng nghị quyết QPPL năm 2022. UBND TP sẽ giao sở Tư pháp cùng các ban HĐND TP rà soát một lần nữa để thống nhất danh mục nghị quyết năm 2022 đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian.

Hà Nội:  Tăng phối hợp, nâng tính chủ động, kỷ cương trong xây dựng nghị quyết - Ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu

Thay mặt lãnh đạo UBND TP phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Trước tiên về nhận thức, công tác xây dựng ban hành các văn bản, nghị quyết QPPL luôn được UBND TP xác định là nhiệm vụ quan trọng có tính chất thường xuyên hằng năm, yêu cầu các sở ngành liên quan xác định đây là nhiệm vụ chính trị, Sở Nội vụ có đánh giá hàng tháng, xem xét có thể cho vào thi đua. Như vậy mới thực sự tăng cường trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương trong thực hiện công tác này, để ra được kết quả sản phẩm cụ thể.

“Cần nghiêm túc khắc phục ngay tình trạng chậm ban hành văn bản, gắn với đó là đánh giá thi đua, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản. Trong đó, Sở Tư pháp tăng cường chất lượng tham mưu, theo dõi, đôn đốc, phối hợp thẩm định hồ sơ, để đảm bảo không chỉ về trình tự thủ tục mà cả chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản. Rất nhiều công việc cần phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên thực tế chứ không chỉ là trên giấy tờ” - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị căn cứ kế hoạch năm 2022 của HĐND TP, các sở, ngành phối hợp ngay với HĐND TP về các chính sách mới ban hành, cập nhật các chỉ đạo cũng như nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, cùng những thực tiễn phát sinh như liên quan tình hình dịch bệnh… để chủ động đưa vào công tác xây dựng văn bản, cùng cộng đồng trách nhiệm; gắn trách nhiệm của từng sở, ngành vào biểu tiến độ, phân công cụ thể.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá trong điều kiện nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 năm 2021, các cơ quan, đơn vị, sở, ngành TP đã cố gắng thực hiện tốt công tác xây dựng nghị quyết QPPL.

Tuy nhiên, sau 1 năm đổi mới, có phối hợp chặt chẽ, cần đánh giá sâu sắc nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các kế hoạch vẫn chưa đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Một số sở ngành rà soát lại, bởi có nhiều nội dung công việc để chậm trễ rất lâu, cần đánh giá chậm ở khâu nào, để tới đây nâng cao chất lượng phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai. UBND TP chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở ngành cần rất chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, thực hiện bài bản, vì mỗi nghị quyết, mỗi cơ chế chính sách ra đời có ý nghĩa rất lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP và đời sống của cử tri, Nhân dân; đồng thời cần bám sát mọi chỉ đạo của UBTV Quốc hội, của Thành ủy.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị muộn nhất ngày 10/3/2022, các sở, ngành, đơn vị, trong đó Sở Tư pháp và Ban Pháp chế HĐND TP làm đầu mối để TP có thể ban hành Kế hoạch xây dựng nghị quyết QPPL năm 2022. Việc phối hợp cần chặt chẽ trước hết từ các sở ngành triển khai, UBND TP chỉ đạo phối hợp ngay từ đầu, trong đó nêu cao tính kỷ cương, chủ động trước về chủ trương của văn bản. Các Phó Chủ tịch cần nêu cao tính chủ động hơn, có một cơ quan đầu mối để kiểm đếm, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Tiến tới có thi đua, biểu dương với các sở, ngành, quận, huyện làm tốt công tác này và nhắc nhở, phê bình kịp thời những nơi để chậm trễ.

Với riêng Kỳ họp chuyên đề tháng 3/2022 của HĐND TP, Chủ tịch HĐND TP đề nghị về nghị quyết liên quan đầu tư công cho y tế cơ sở, trường chuẩn quốc gia và di tích lịch sử, cần thêm nội dung về các chỉ tiêu giường bệnh (trong tuần sau trình Thường vụ Thành ủy). Các đề xuất của UBND TP và các sở ngành, Đảng đoàn HĐND TP sẽ thống nhất lại, báo cáo UBTV Quốc hội.