Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tạo cơ chế đột phá để phát triển đường sắt đô thị

Khánh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Giám đốc GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, về hướng ra cho giao thông đô thị ở các thành phố lớn, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) chính là giải pháp.

Theo các chuyên gia, đường sắt đô thị được cho là “chìa khóa”, là giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội hiện nay. Ảnh: TN
Theo các chuyên gia, đường sắt đô thị được cho là “chìa khóa”, là giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội hiện nay. Ảnh: TN

Theo quy hoạch, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó 75,6 km đi ngầm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, TP Hà Nội mới hoàn thành 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông) và đang triển khai xây dựng 2 dự án đường sắt đô thị là tuyến Nhổn-ga Hà Nội và Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, nhưng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ, nhiều vướng mắc và tiếp tục đội vốn dẫn tới phải điều chỉnh thủ tục đầu tư.

Vào tháng 5/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Trong đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2027, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng. Dự án này được khởi công năm 2010, nhưng bị vỡ tiến độ nhiều lần.

Đối với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, vào tháng 8/2023 vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã có tờ trình Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Theo đó, UBND TP đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư là 35.588 tỷ đồng, tăng 16.033 tỷ đồng (tương đương 82%) so với quyết định phê duyệt dự án vào năm 2008. Dự án cũng xin được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2031. Trong đó, hoàn thành vào năm 2029 và 2 năm đào tạo, vận hành, bảo dưỡng.

Theo các chuyên gia giao thông, một trong những khó khăn lớn nhất đối với đường sắt đô thị hiện nay là thiếu vốn. Để có thể thu hút vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, Nhà nước phải bỏ vốn làm trước các tuyến cam kết (Tuyến cam kết là các tuyến đi trong khu vực nội đô lịch sử, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp…)

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ. Hiện tại mới có cơ chế đối với các hộ bị thu hồi đất nhưng hoàn toàn chưa có chế độ cho những hộ bị ảnh hưởng hoặc phải phá dỡ.

Để rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn cốt yếu vẫn phải thay đổi từ chính sách, cần có cơ chế đột phá để địa phương triển khai.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, về hướng ra cho giao thông đô thị ở các thành phố lớn, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) chính là giải pháp. Trong đó, lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Để phát triển đô thị theo định hướng TOD cần khắc phục và giải quyết kịp thời các tồn tại bất cập, tạo hành lang pháp lý, chính sách thuận lợi cho việc triển khai thực hiện mô hình này. Sở GTVT đã đề xuất với UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến phát triển mô hình TOD trong các Luật Đất đai, Quy hoạch, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, PPP…

Theo chuyên gia giao thông Phan Hoàng Phương, cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD kèm theo cơ chế, chính sách để triển khai mô hình này. Huy động đa dạng nguồn lực đầu tư cho đường sắt đô thị. Xây dựng cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cũng như xuyên suốt quá trình thực hiện dự án.

Ngoài ra, các chuyên gia giao thông cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng cũng cần phải đi trước 1 bước, đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, còn bộc lộ một số hạn chế, như: Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm; việc giải quyết yêu cầu tái định cư chưa đồng bộ, bất cập; tình trạng khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng diễn biến phức tạp; việc công khai, minh bạch trong thực hiện cơ chế, chính sách còn hạn chế.

Thủ đô Hà Nội đang định hướng phát triển mô hình đô thị lấy giao thông công cộng nhanh, khối lượng lớn làm hạt nhân trung tâm (TOD). Do đó, việc xây dựng đường sắt đô thị là cơ sở để tái cấu trúc đô thị. Tuyến Metro số 5 Văn Cao-Hoà Lạc sắp được triển khai sẽ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được lựa chọn đầu tư theo mô hình TOD.