Phóng viên Kinh tế và Đô thị có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường xung quanh câu chuyện phát triển những vùng lúa chất lượng cao.
Giá trị kinh tế vượt trội
Qua hơn 2 năm triển khai kế hoạch phát triển lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được đến nay của Hà Nội?
- Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tập trung phát triển những vùng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, bên cạnh chất lượng, TP đặt mục tiêu năng suất dự kiến đạt 5 - 5,5 tấn/ha đối với canh tác hữu cơ và từ 6 - 6,5 tấn/ha gieo trồng theo hướng an toàn, VietGAP.
Hiện, hàng chục mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu đang được triển khai trên địa bàn TP. Kết quả ban đầu những vụ mùa đã qua cho thấy, năng suất lúa an toàn, VietGAP đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha; còn lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 5,5 - 5,8 tấn/ha. Chất lượng lúa gạo cũng được bà con nông dân đánh giá rất cao.
Như vậy có thể thấy, so với mục tiêu kế hoạch của TP thì kết quả đạt được là rất khả quan. Điều này đáng khích lệ hơn khi biết rằng điều kiện sản xuất trong nhiều mùa vụ, nhất là vụ Xuân 2023, là không thực sự thuận lợi khiến sâu bệnh hại phát triển rất mạnh.
Những vùng lúa Japonica và chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu mang lại lợi ích gì trên khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường, thưa ông?
- Sau khi trừ tất cả chi phí sản xuất, mỗi vụ canh tác lúa Japonica cho lợi nhuận 29 - 30 triệu đồng/ha; trong khi các giống lúa chất lượng cao như TBR225, Đài Thơm 8 hay HD11 giúp nông dân thu về khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ. Con số này cao hơn so với giống lúa Khang dân từ 11 - 15 triệu đồng/ha/vụ.
Việc phát triển những vùng lúa tiêu chuẩn xuất khẩu góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng; đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm lúa gạo của Hà Nội, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.
Tiêu chuẩn sản xuất mới sẽ nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và bà con nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai; làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, qua đó góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Việc tiêu thụ lúa gạo được xem là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển những vùng lúa tiêu chuẩn xuất khẩu. Công tác này đang được quan tâm, thực hiện thế nào, thưa ông?
- Tiêu thụ là vấn đề then chốt đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng. Đối với những vùng canh tác lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ đầu mùa vụ, Sở NN&PTNT đã kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. Đơn cử như trong vụ Xuân 2023, có 5 doanh nghiệp đã bắt tay với các hợp tác xã để tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân. Nhiều đơn vị cũng đang được liên hệ để “bắt tay” tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao cho bà con trong vụ Mùa 2023.
Giải pháp phát triển vùng lúa bền vững
Khó khăn hiện nay trong phát triển những vùng lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu là gì, thưa ông?
- Thực tế quá trình triển khai kế hoạch của TP về phát triển lúa Japonica và lúa hàng hoá chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho thấy, công tác quản lý mô hình tại nhiều hợp tác xã còn hạn chế. Có nơi, nhận thức của cán bộ chính quyền và người nông dân chưa đầy đủ. Nhiều hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt là vẫn còn hiện tượng người dân không tuân thủ hợp đồng liên kết làm ảnh hưởng đến phát triển chuỗi giá trị lúa gạo.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, canh tác lúa muốn có lãi, phải sản xuất tập trung trên quy mô ít nhất 10ha trở lên. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
- Tập trung ruộng đất đến nay vẫn là vấn đề rất nan giải đối với mục tiêu sản xuất nông nghiệp nói chung. Thực tế tại Hà Nội đã bước đầu có có những mô hình tập trung ruộng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao như tại các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên… Tuy nhiên, số lượng những mô hình tập trung ruộng đất này vẫn còn ít.
Cá nhân tôi cho rằng muốn sản xuất lớn thì phải có quỹ đất. Đối với vấn đề này, vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Tổ chức, doanh nghiệp rất khó tiếp cận đất nông nghiệp của người dân. Chính vì vậy, chính quyền cơ sở (có thể thông qua hợp tác xã), ký hợp đồng chuyển nhượng, rồi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê lại. Đây là một cách làm mà các địa phương có thể tham khảo.
Để phát triển bền vững những vùng lúa chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, theo ông cần có những giải pháp nào?
- Như tôi đã đề cập, việc phát triển các chuỗi liên kết là rất quan trọng. Chính vì vậy, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nhằm hình thành các chuỗi liên kết lúa gạo bền vững giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức quản lý mới, phù hợp để giúp nông dân sản xuất lúa có hiệu quả. Đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu phát triển những vùng lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường đầu tư hỗ trợ sản xuất, nhất là các trang thiết bị, máy móc phục vụ bảo quản, chế biến sau thu hoạch cho các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ và vùng sản xuất lúa gạo, nhằm thúc đẩy tiêu thụ và gia tăng giá trị lúa gạo cho người nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu duy trì, phát triển 200 vùng trồng lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Song song với đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo, TP sẽ xây dựng, hình thành từ 3 - 5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu gạo.