Hà Nội thành tâm điểm sự chú ý của thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với sự tham gia của đại diện nhiều nước, tổ chức quốc tế, được coi là một đại lễ hoành tráng hiếm có với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.

KTĐT - Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với sự tham gia của đại diện nhiều nước, tổ chức quốc tế, được coi là một đại lễ hoành tráng hiếm có với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.

Trong tuần qua, sự chú ý của thế giới tiếp tục đổ dồn về Hà Nội, nơi nhân dân Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm Thủ đô của mình tròn 1000 năm tuổi và ngay sau đó là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với sự tham gia của đại diện nhiều nước, tổ chức quốc tế, được coi là một đại lễ hoành tráng hiếm có với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.

Trong dịp này, UNESCO đã trao tặng Hà Nội Bằng công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới cho thấy bề dày văn hiến của thủ đô nước Việt Nam thống nhất.

Dấu mốc mới trong sự phát triển của ASEAN

Ngay sau đó, tại thủ đô Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) lần thứ nhất với sự tham dự của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và lãnh đạo Bộ Quốc phòng 8 nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ.

Với chủ đề “Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực”, ADMM+  được coi là dấu mốc lịch sử trong hợp tác quốc phòng của ASEAN, là sự khởi đầu của một cấu trúc an ninh đầy triển vọng với sự tham gia của ASEAN cùng các cường quốc có lợi ích và ảnh hưởng tại khu vực.

Với ASEAN, ADMM+ là một dấu mốc mới trong quá trình phát triển, vừa là mục tiêu lại vừa là động lực, vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức.

ADMM+ đánh dấu sự trưởng thành của ASEAN trên bình diện hợp tác quốc phòng, an ninh nội khối và khu vực. Từ chỗ đi sau các lĩnh vực khác, hợp tác quốc phòng, an ninh ASEAN đã trở thành lĩnh vực đột phá trên con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Chính trị - An ninh. Với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại chủ chốt, ADMM+ là một cơ chế hợp tác quốc phòng mang ý nghĩa chiến lược.

Trước hết, đây là một trong những diễn đàn đối thoại, tham vấn chiến lược nhằm xây dựng một nhận thức chung về an ninh khu vực, xây dựng lòng tin, xác định các lĩnh vực hợp tác thiết thực về quốc phòng. Không những vậy, ADMM+ còn là cơ chế hợp tác ở cấp cao nhất (cấp Bộ trưởng) về quốc phòng của khu vực, có khả năng định hướng và chỉ đạo các chương trình hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết có hiệu quả các thách thức an ninh chung, nhất là an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay. Ðây cũng là sân chơi bình đẳng và có lợi cho tất cả các bên tham gia; đồng thời có vai trò hài hòa quan hệ, xây dựng năng lực và tăng cường quan hệ giữa quân đội các nước.

Thêm vào đó, ADMM+ sẽ thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác song phương vốn có thông qua các cuộc gặp gỡ đối thoại song phương bên lề hội nghị đa phương.

Việc tổ chức ADMM+ lần thứ nhất, do chính Việt Nam đề xuất đặc biệt trong năm giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010 đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc phối hợp chặt chẽ với các thành viên và các đối tác để đạt được những kết quả cụ thể trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Nỗ lực chống đói nghèo

Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm nay có chủ đề “Chung tay chống đói nghèo” xuất phát từ thực tế, năm 2009 số người thiếu đói trên thế giới đã lên tới 1 tỷ người.

Nhân ngày này, đại diện các quốc gia thành viên Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) đã tham dự buổi lễ được cử hành tại trụ sở của tổ chức tại Rome (Italy).

Phát biểu tại đây, Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf khẳng định với chủ đề của năm nay, vấn đề an ninh lương thực không phải là trách nhiệm của riêng một tổ chức nào, mà là của tất cả.

Để bảo đảm an ninh lương thực, theo ông Diouf, cần gia tăng sản lượng lương thực thế giới thêm 70% và tăng gấp đôi tại các quốc gia đang phát triển mới đủ cung cấp lương thực cho dân số toàn cầu, dự tính sẽ tăng đến 9,1 tỷ người vào năm 2050.

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, bà Yuriko Shoji cho rằng, ý niệm “Chung tay chống đói nghèo” sẽ trở thành hiện thực khi các quốc gia cùng hợp tác trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo và suy dinh dưỡng. Trong đó hành động thiết thực nhất là cùng nỗ lực triển khai một cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp.

Công cuộc giải cứu 33 thợ mỏ bị két dưới hầm lò sâu 700 mét từ đầu tháng 8 tại Chile, đã kết thúc ngày 14/10, trở thành một “câu chuyện cổ tích thời hiện đại” thu hút sự theo dõi của hàng tỷ người trên khắp thế giới qua đài phát thanh, truyền hình và Internet.

Sự kiện này cũng được đánh giá là một thành công hiếm có của nhân loại trong việc giải cứu các trường hợp bị nạn mà chỉ cách đây ít lâu được coi là vô phương cứu chữa.

Niềm hy vọng, lòng quyết tâm, sự quan tâm cao độ của những người thợ mỏ và nhân dân Chile đã viết nên một trong những bản hùng ca về lòng dũng cảm của con người trong việc đối đầu với những khó khăn tưởng không còn hy vọng.

Về kinh tế, trong tuần, giá vàng trên thị trường thế giới lại đạt đỉnh cao mới là trên 1.375 USD/ounce, do nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như một nơi  đầu tư an toàn. Nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa do đồng USD đang yếu dần và sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn có nhiều thách thức./.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần