Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: thay đổi quy định về quản lý, khai thác hè, đường cho phù hợp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo các chuyên gia, nhiều tuyến đường, tuyến phố tại TP Hà Nội đã thay đổi trong quá trình đầu tư, cải tạo và xây dựng mới, trong khi những quy định cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chưa kịp thời thay đổi cho phù hợp.

Sáng nay, 19/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án của UBND TP Hà Nội về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị

Đầy đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn để xây dựng, ban hành Đề án

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thay mặt lãnh đạo Sở đã trình bày Tờ trình của Sở Xây dựng trình UBND TP về Đề án về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội và dự thảo Đề án này.

Theo đó, dự thảo Đề án gồm 2 phần. Phần I - Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án, nêu lên thực trạng công tác quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn TP và căn cứ xây dựng Đề án.

Phần II - Nội dung Đề án, bao gồm 6 mục, trong đó về nguyên tắc xây dựng Đề án: lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông; hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống HTKT đô thị dọc tuyến; việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận; sử dụng đúng mục đích và phạm vi cho phép).

Về phạm vi, đối tượng của Đề án, gồm các tuyến hè phố có đủ điều kiện sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm; các tuyến đường có đủ điều kiện để sử dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Về nội dung Đề án, gồm các phần: khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm; khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện, gồm giải pháp về tuyên truyền; về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; về quy hoạch; về dự án, công trình; về chỉnh trang hệ thống HTKT đô thị; kiểm tra, xử lý vi phạm; giải quyết xung đột lợi ích.

Đối với kinh phí thực hiện Đề án, dự thảo nêu rõ do Ngân sách TP cấp; đồng thời, khuyến khích mọi hình thức XHH việc đầu tư xây dựng, sửa chữa hè phố; tổ chức, cá nhân được phép tự tiến hành xây dựng, sửa chữa hè phố bằng nguồn kinh phí ngoài NSNN theo hướng dẫn của UBND cấp huyện…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường điều hành thảo luận
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường điều hành thảo luận

Đáng chú ý, dự thảo Đề án đưa ra 9 tiêu chí để sử dụng hè phố trong phát triển kinh doanh và trông giữ tạm thời phương tiện giao thông tại TP Hà Nội, gồm: Hè phố cho phép kinh doanh phải có hè phố chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ); bảo đảm chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; kinh doanh bảo đảm yếu tố an toàn, văn minh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường theo quy định pháp luật; UBND cấp huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho phép hè phố kinh doanh; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép về thời gian cấp phép, thời gian kinh doanh, mặt hàng kinh doanh và đối với hộ kinh doanh di động;

Đồng thời, căn cứ đặc điểm của các tuyến phố, đánh giá hiện trạng 273 tuyến phố, những tiêu chí để sử dụng tạm thời một phần hè phố để phát triển kinh doanh và trông giữ phương tiện giao thông, dự thảo Đề án cũng đề xuất 9 mô hình và sơ đồ hoá hè phố có đủ điều kiện sử dụng tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông.

Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, trên cơ sở phân tích các yếu tố và kết quả đánh giá tổng quan về hạ tầng giao thông trên địa bàn TP, kết quả đánh giá thực trạng khai thác, quản lý đối với hè phố một số tuyến phố, việc xây dựng, ban hành Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội là hết sức cần thiết.

Các đại biểu nêu ý kiến phản biện vào dự thảo Đề án
Các đại biểu nêu ý kiến phản biện vào dự thảo Đề án

Hoàn thiện dự thảo Đề án với chất lượng tốt nhất

Tại Hội nghị, một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức CT-XH, quận, huyện của TP đã nêu các ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án, trong đó khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết để xây dựng triển khai thực hiện Đề án này. Đồng thời, đánh giá công tác chuẩn bị dự thảo Đề án công phu, có tham khảo các mô hình quốc tế, trong nước và đề ra phương án cụ thể, rõ ràng trong phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ.

Các ý kiến đều thống nhất cao với mục đích chính của Đề án là khắc phục được tình trạng quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè và một phần lòng đường tại TP Hà Nội trong thời gian qua; Đề án sẽ tạo được sự đồng thuận của Nhân dân nếu được triển khai thực hiện. Đặc biệt, các ý kiến thống nhất cao với mục tiêu cao nhất của Đề án là quản lý trật tự đô thị, tiếp đó mới là các vấn đề liên quan tới khai thác phục vụ cho mục đích kinh tế và giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội.

Đáng chú ý, ông Vũ Hào Quang - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tổng hợp và Phân tích Dư luận xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) cho rằng, từ lâu người dân Hà Nội đã sử dụng vỉa hè lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh và dịch vụ, tuy nhiên chưa có một quy định có tính toàn diện và đồng bộ để quản lý hiệu quả vấn đề này. Thậm chí có tới 22,43% tuyến phố có tình trạng khai thác sử dụng trái phép để trông giữ xe trái phép gây mất an toàn giao thông và trật tự an ninh TP.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội tiếp thu, giải trình trước các ý kiến phản biện
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội tiếp thu, giải trình trước các ý kiến phản biện

Hiện tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để buôn bán và làm các loại dịch vụ khác nhau vẫn xảy ra thường xuyên gây bức xúc trong Nhân dân và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp, tính thanh lịch văn minh của người Hà Nội.

Theo ông Vũ Hào Quang, Đề án về “Quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội” được đông đảo người dân ủng hộ và chờ đợi. Trong dự thảo đã đưa ra các số liệu khảo sát thực tiễn có giá trị khoa học cao, nhận định tỷ lệ quỹ đất giành cho giao thông mới đạt hơn 10% diện tích đất đô thị so với yêu cầu của quy hoạch là 20-26%. Quỹ đất giao thông tĩnh cũng chỉ đạt 1% so với yêu cầu của quy hoạch là từ 3-4%. Diện tích đất làm nơi đỗ xe trong toàn thành phố mới đáp ứng 10%. Điều đó cho thấy tính cấp bách của việc cần khai thác vỉa hè, lòng đường cho các dịch vụ giao thông như thế nào.

"Đề án đã cung cấp khá đầy đủ các số liệu thống kê về hiện trạng đường đô thị và các tuyến đường được thiết kế đường đô thị, trên cơ sở đó mô tả và đánh giá thực trạng công tác quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội” - ông Vũ Hào Quang nói.

Còn theo ông Lê Văn Hoạt (Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP), việc sử dụng lòng đường, hè phố ở những nơi có điều kiện để kinh doanh dịch vụ được đặt ra từ lâu, có diễn biến khá phức tạp, đặt ra những yêu cầu khắt khe trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện và hiện tại cũng còn có nhiều ý kiến trái chiều. Một số văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, văn bản hành chính có liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố được ban hành đã lâu, hiện không còn phù hợp. Nhiều tuyến đường, tuyến phố đã thay đổi trong quá trình đầu tư, cải tạo và xây dựng mới, trong khi những quy định cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng chưa kịp thời thay đổi cho phù hợp.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

“Về phí và giá cả sử dụng tạm thời vỉa hè lòng đường tại mục 2.3 và 2.4 chương III trong Đề án là vấn đề quan trọng liên quan đến quyền lợi của người dân, cơ quan tổ chức khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố và cũng liên quan đến quyền lợi của Nhà nước, của TP. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đề án sớm bổ sung quy định cho hợp tình hợp lý, đảm bảo hài hòa các lợi ích không dẫn đến những tiêu cực” - ông Lê Văn Hoạt nêu.

Đặc biệt, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội đề nghị, trong khâu tổ chức thực hiện Đề án này cần bảo đảm rõ sự minh bạch trong xử lý các vi phạm, chỉ có như vậy mới hy vọng đạt được mục tiêu năm 2030 Hà Nội trở thành TP văn minh, hiện đại. Đồng thời, có sự chỉ đạo xuyên suốt, nghiêm khắc để thực hiện hiệu quả công tác quản lý lòng đường, vỉa hè.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức CT-XH và quận, huyện thuộc TP, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề. Bà Nguyễn Lan Hương khẳng định Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ tiếp thu đầy đủ, chắt lọc và tổng hợp các ý kiến trở thành ý kiến chung của MTTQ TP tham gia phản biện vào dự thảo Đề án này gửi tới HĐND, UBND TP. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến, cố gắng hoàn thiện dự thảo với chất lượng tốt nhất khi trình dự thảo Đề án theo đúng thẩm quyền.

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ về thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện một cách nghiêm túc Luật Thủ đô và chương trình hành động của Chính phủ. Đồng thời, rà soát, lược bỏ các văn bản đã hết hiệu lực, cập nhật đầy đủ các nội dung Luật Thủ đô và những nghị quyết, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về Đề án tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai thực hiện, trong đó có vai trò của MTTQ TP.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị có sự bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng công tác kiểm tra giám sát, phòng tránh tiềm ẩn về tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, cơ quan chức năng có đề xuất cơ chế để phối hợp các lực lượng, cấp, ngành khi triển khai thực hiện Đề án; chế tài xử lý nếu chủ thể được thuê nhưng sử dụng vỉa hè, lòng đường sai vị trí. Quan tâm nội dung ứng dụng CNTT giải quyết các thủ tục hành chính, thu phí, thu giá bằng vé điện tử bảo đảm không thất thoát, không tiêu cực, lãng phí và đáp ứng thuận tiện nhất cho người dân, tổ chức, DN nếu có nhu cầu thuê để sử dụng vỉa hè, lòng đường.