Hà Nội: thêm chế tài mạnh mẽ, “siết” vi phạm đất đai
Kinhtedothi - Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội được HĐND TP Hà Nội ban hành tại Kỳ họp thứ 22 vào cuối tháng 4/2025 (có hiệu lực từ ngày 1/9/2025), được xem là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP Hà Nội trong lĩnh vực đất đai.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Trong những năm qua, tình trạng vi phạm đất đai, nhất là trên đất nông nghiệp, đất công, diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất. Thực tế thời gian qua, khi các địa phương tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính, tình trạng vi phạm đất đai tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương.
Các hành vi vi phạm về đất đai trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, thực hiện hành vi hủy hoại đất nông nghiệp, lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng… Không chỉ gây mất trật tự trong quản lý đất đai, các hành vi này còn ảnh hưởng đến quy hoạch và phát triển đô thị.

Lực lượng chức năng phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) cưỡng chế xử lý vi phạm đất đai.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến tình trạng vi phạm đất đai vẫn phát sinh là do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Nhiều trường hợp cố tình xây dựng công trình trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Trong bối cảnh TP đang đối mặt với áp lực lớn về phát triển hạ tầng và đô thị hóa, việc quản lý chặt chẽ đất đai sẽ giúp sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Trước những đòi hỏi trên, tại Kỳ họp thứ 22 tổ chức cuối tháng 4/2025 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội. Nghị quyết được xem là công cụ pháp lý mạnh, phù hợp thực tiễn của Hà Nội - nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhu cầu sử dụng đất lớn.
Quyết sách mạnh mẽ, siết chặt kỷ cương
Ngay sau khi Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thông qua, cùng với chỉ đạo sát sao từ UBND TP Hà Nội, nhiều địa phương đã chuyển từ trạng thái thụ động sang hành động quyết liệt.
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, thời gian qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát toàn bộ trường hợp vi phạm trên địa bàn. Đến nay, cơ bản các vi phạm phát sinh từ trước năm 2025 đã được xử lý.
“Tinh thần của huyện là xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm đất đai theo tinh thần Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội. Việc có khung xử phạt cụ thể, nghiêm khắc cũng giúp địa phương thuận lợi hơn trong xử lý, tạo hiệu ứng răn đe rõ rệt…” - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh nhấn mạnh.

Một công trình vi phạm đất đai tại huyện Sóc Sơn bị xử lý.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, Nghị quyết lần này được hoàn thiện và trình ban hành sớm hơn so với kế hoạch. Trước đó, Sở đã chủ động tham mưu UBND TP đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan để trình HĐND TP thông qua.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, tại Nghị quyết lần này, Sở tham mưu nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức phạt tiền từ Điều 8 đến Điều 29 theo Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ.
“Tăng mức xử phạt là yêu cầu cấp thiết để lập lại trật tự trong quản lý đất đai, nhất là tại các địa bàn giáp ranh, vùng đang chịu áp lực đô thị hóa, nơi đất đai có giá trị cao và dễ phát sinh tiêu cực...” - ông Nguyễn Xuân Đại khẳng định.
Có thể nói, Nghị quyết quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm cao của TP Hà Nội trong việc siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai.
Việc ban hành nghị quyết riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không chỉ mang ý nghĩa về mặt chế tài, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để các sở, ngành, địa phương phát huy vai trò nòng cốt trong kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất.
Kỳ vọng Nghị quyết sẽ là cơ sở quan trọng để Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý đất đai theo hướng bền vững, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch trong thực thi pháp luật ở cơ sở.
Trích dẫn
“Để Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội sớm đi vào thực tiễn, Sở đã tích cực phối hợp với các xã, phường để tuyên truyền bằng nhiều hình thức; lập các tổ công tác liên ngành, kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết, công khai các hành vi vi phạm về đất đai. Các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất; các “điểm nóng” về chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sẽ là trọng tâm trong đợt cao điểm triển khai…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại.

Hà Nội nâng mức tiền phạt đối với 71 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai
Kinhtedothi - Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, việc thực hiện quy định nâng mức tiền phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024, sẽ nâng cao tính răn đe và ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh trên toàn địa bàn TP...

Huyện Sóc Sơn: quyết liệt ngăn chặn vi phạm đất đai, trật tự xây dựng
Kinhtedothi - UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng thực hiện trực 100% quân số trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025. Đồng thời, các xã, thị trấn phải xử lý dứt điểm vi phạm phát sinh trong năm 2025 trước ngày 15/5.

Hà Nội: tái cấu trúc quy trình thủ tục liên quan đến đất đai qua hình thức trực tuyến
Kinhtedothi – Ngày 12/5, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để ưu tiên cung cấp bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội.