Hà Nội: Thêm cơ chế phát triển ngành thủy sản

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP vừa ban hành Quyết định số 4958/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 về ban hành kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Đây chính là nguồn lực góp phần thúc đẩy ngành thủy sản đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP tại Phú Xuyên
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản của TP là hơn 23.400ha, sản lượng 9.675 tấn/tháng. Trong khi nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân Hà Nội khoảng 19.250 tấn/tháng, còn lại nhập từ các tỉnh, TP khác. Hiện, nông dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản đang tập trung chăm sóc cá phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2022.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đã rà soát và mở rộng khoảng 600ha diện tích nuôi kết hợp cá - lúa; phấn đấu nâng tổng diện tích nuôi trong năm 2021 đạt 24.000ha, cho sản lượng 120.000 tấn thủy sản các loại.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá cám tăng, giá các loại thuốc thú y, vật tư nuôi trồng cũng tăng, trong khi giá thủy sản giảm. Tuy nhiên, sản lượng thủy sản tính tới thời điểm này vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế hiện nay, ngành thủy sản của Hà Nội vẫn còn khá nhiều hạn chế. Phần lớn được tiêu thụ dưới dạng tươi sống. Một số đơn vị đã bước đầu áp dụng công nghệ trong nuôi trồng, nhưng chưa đồng bộ, phần nhiều mới chỉ dừng lại ở công đoạn xử lý môi trường nước, kỹ thuật “sông trong ao”, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VieGAP… Việc liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản trên địa bàn TP còn rất hạn chế.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, địa phương hiện có 900ha mặt nước và đã đưa vào nuôi trồng thủy sản hơn 810ha. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản còn rất hạn chế, do đó năng suất cũng như chất lượng sản phẩm chưa cao.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, hiện nay rất cần cơ chế để hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nuôi trồng theo hướng an toàn; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường để cân đối cung cầu; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết thủy sản với DN để bảo đảm khâu tiêu thụ sản phẩm.
Theo nội dung Quyết định số 4958/QĐ-UBND mới ban hành, Thành phố sẽ chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống, chủ trang trại, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất giống thủy sản. Mục tiêu đến năm 2025, năng suất vùng nuôi trồng thủy sản tăng 10 - 15%; sản lượng sản xuất thủy sản tăng 2.500 tấn, giá trị sản xuất tăng 200 - 300 triệu đồng/ha.
UBND TP giao Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định. Đây chính là nguồn lực giúp ngành thủy sản của Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng nuôi trồng thủy sản.