KTĐT - Xu hướng của nhiều người dân là đến cận tết mới đi mua sắm nên có thể còn nhiều biến về giá cả thị trường trong những ngày sắp tới.
Thị trường hàng hóa trong một tháng trước tết Nguyên Đán Canh Dần đã và đang bước vào giai đoạn “nóng”. Giá cả nhiều mặt hàng nhất là một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng đến 20-30%. Cùng với nỗi lo giá cả là nỗi bất an của người dân và cơ quan quản lý về vấn đề an toàn thực phẩm.
Hàng thực phẩm đua nhau tăng giá
Chưa tới cận ngày tết nhưng giá nhiều mặt hàng tại Hà Nội đã tăng đáng kể. Tại chợ đầu mối Long Biên, chợ Dịch Vọng Hậu giá rau xanh đã tăng dần từ hơn một tháng nay do tiết trời tại các tỉnh miền Bắc ít mưa và có các đợt rét đậm từ đầu tháng 11. Một số loại như: bắp cải xanh, rau cải ngọt…giá đã tăng gấp rưỡi chỉ trong một tuần qua.
Chị Duyên, một chủ hàng rau tại chợ Dịch Vọng Hậu dự đoán: “Trời rét thế này thì giá rau sẽ tăng mỗi ngày”. Giá thịt lợn, thịt bò, thịt gà cũng tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Lý giải điều này, một chủ sạp thịt gia súc, gia cầm tại chợ Long Biên cho biết do giá thức ăn chăn nuôi không ngừng gia tăng nên số lượng đàn gia súc, gia cầm bị giảm đi...
Trong khi đó, giá đường bất ngờ tăng lên mức 22.000 đồng/kg đã khiến cho nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Chủ kiot Thủy Sơn, chợ Đồng Xuân khẳng định: Tới thời điểm này giá bánh kẹo, mứt tết đã tăng từ 10-20%. So với cùng thời điểm tết năm trước, có một số mặt hàng đặc biệt đã tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi như long nhãn tăng từ 120.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg, hạt sen tăng từ 180.000 đồng lên 200.000 đồng/kg.
Chủ cửa hàng Mạnh Hùng, chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) cho biết: “Giá xăng tăng làm chi phí vận chuyển nhích lên cũng là một nguyên nhân khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng cao. Nhiều loại nước ngọt đã tăng hơn 10%, một số mặt hàng như trà, cà phê hòa tan tăng nhẹ 5%”.
Ông cũng cho biết, giá đồ khô đã tăng từ hơn một tháng trước và là mặt hàng tăng giá mạnh nhất, tới gần 400%. Cụ thể như: Mộc nhĩ tăng từ 70.000-80.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg, miến từ 30.000 đồng/kg tăng lên 120.000đồng/kg. Nhưng tới thời điểm này, giá mặt hàng này đã chững lại.
Theo nhận định của các tiểu thương, xu hướng của nhiều người dân là đến cận tết mới đi mua sắm nên có thể còn nhiều biến về giá cả thị trường trong những ngày sắp tới.
Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm
Bên cạnh nỗi thấp thỏm về giá cả thị trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một nỗi lo không nhỏ của người dân mỗi dịp tết về. Sau một loạt những phát hiện của báo chí và cơ quan quản lý về công nghệ chế biến “mỡ bẩn”, “mứt bẩn”, hàng trăm kilôgam nội tạng động vật bị bắt giữ trong tình trạng thối hỏng… trong suốt một năm qua thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành quan tâm hàng đầu trong những ngày giáp tết Canh Dần.
Phát hiện về hạt dưa có tẩm ướp chất có thể gây ung thư khiến cho loại hạt này gần như bị “tẩy chay”. Nhiều người dân chuyển hướng sang dùng hạt bí mặc dù đây là loại hạt có giá thành cao nhất. Hạt bí loại thường có giá 80.000-85.000 đồng/kg, loại ngon nhất từ 100.000-150.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, phần lớn khách hàng mua hạt bí là khách Hà Nội, còn chủ buôn từ các tỉnh xa lại chủ yếu nhập loại hạt hướng dương trắng. Một chủ đại lý tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) cho biết loại này nhập về từ Trung Quốc có giá 30.000-50.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối Long Biên, bên cạnh những cam Canh (Hưng Yên), ổi Thanh Hà (Hải Dương), dứa (Ninh Bình); vú sữa, sầu riêng, chôm chôm, xoài… từ miền Nam chuyển ra là không ít những quýt, cam có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Những hoa quả này, vẫn hàng ngày được vận chuyển vào nội thành Hà Nội tiêu thụ.