Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc làm

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 13.000 công nhân lao động phải giảm giờ làm hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, TP Hà Nội đang thực hiện các giải pháp và có những kiến nghị để hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động.

Hơn 1.000 người lao động bị nợ lương

Trước thực tế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và TP Hà Nội, dẫn đến tình hình việc làm và thu nhập của NLĐ có chiều hướng giảm. Tại TP Hà Nội, do hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số DN gặp khó khăn, việc làm và thu nhập của NLĐ có chiều hướng giảm. Đối với các DN lớn có nguồn lực kinh tế mạnh thì gồng lỗ để duy trì lao động; các DN gián tiếp không có khả năng tài chính buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng, công nhân làm việc 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được “khuyến khích” ứng ngày nghỉ phép của năm 2023.

Trên địa bàn TP Hà Nội có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 người lao động. Ảnh minh họa: Phạm Hùng. 
Trên địa bàn TP Hà Nội có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 người lao động. Ảnh minh họa: Phạm Hùng. 

Một số DN đã xây dựng phương án cho NLĐ nghỉ dài ngày có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng tiền lương tối thiểu vùng, thậm chí một số DN phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ. Những DN cắt giảm, giảm giờ tập trung chủ yếu ở các đơn vị sử dụng nhiều lao động phổ thông,

Số liệu thống kê từ các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội, tính đến ngày 15/11/2022 có 31 DN phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 NLĐ. Trong đó có 10.374 NLĐ bị giảm giờ làm, 2.642 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động. Có 6 đơn vị cắt giảm trên 100 lao động. Riêng Khu Công nghiệp và chế xuất có 7 DN sử dụng 6.148 NLĐ phải giảm giờ làm của NLĐ hoặc buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động; trong đó có 1.609 NLĐ bị giảm giờ làm, 634 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm thuộc ngành nghề Dệt may, Điện tử, Cơ khí. Ảnh minh họa: Phạm Hùng.
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm thuộc ngành nghề Dệt may, Điện tử, Cơ khí. Ảnh minh họa: Phạm Hùng.

Chia sẻ về việc sụt giảm giờ làm thêm của công nhân, Phó Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng nói: Thời điểm này, các năm trước, NLĐ thường phải tăng ca để đảm bảo các đơn hàng nhưng bây giờ không còn tăng ca. Vì thế, thu nhập của NLĐ sụt giảm, không đạt được 8 – 9 triệu đồng/tháng như thời còn tăng ca. Dệt may là một trong số các ngành đang gặp khó khăn phải chấm dứt hợp đồng lao động, giảm giờ làm. Đến nay, rất ít DN có đơn hàng đến hết tháng 3 của năm 2023, chủ yếu là tháng 12/2022. Một số đơn vị đang phải giãn ca, đồng thời tung hết năng lực, khả năng của mình ra để giữ công nhân.

Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội Hoàng Thị Thu Hồng chia sẻ: Có 3 - 4 DN nợ lương công nhân, trong đó có 2 DN nước ngoài. Công đoàn ngành đang phối hợp với lực lượng Công an TP để kiểm soát việc chủ DN nước ngoài có nợ lương, nhưng về nước không quay trở lại. Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội đã có báo cáo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội để có biện pháp hỗ trợ NLĐ.

Hỗ trợ người mất việc nhanh chóng trở lại thị trường lao động

Trước những khó khăn của DN và NLĐ, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu và tổ chức nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động. Cụ thể như Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho NLĐ bị mất việc tiếp cận với các DN sớm quay trở lại thị trường lao động…

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, lưu động, chuyên đề để kết nối người lao động với doanh nghiệp tuyển dụng. Ảnh: Trần Oanh. 
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, lưu động, chuyên đề để kết nối người lao động với doanh nghiệp tuyển dụng. Ảnh: Trần Oanh. 

Về phía các DN đang thiếu nguồn tuyển cũng đang có ý định kết nối với những công ty có NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động để tuyển người vào làm. Bà Hoàng Thanh Hà là chuyên viên đào tạo tuyển dụng Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất Sân bay Việt Nam cho biết: Công ty chúng tôi hoạt động ở sân bay gần nơi có các DN chấm dứt hợp đồng với NLĐ. Công ty đang đàm phán với các DN này để có hướng chuyển NLĐ sang làm những công việc dành cho lao động phổ thông.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, nếu các DN trong điều kiện xấu nhất buộc phải cho NLĐ nghỉ việc thì trước tiên phải thực hiện bảo đảm đầy đủ chính sách đối với NLĐ theo quy định của Bộ luật Lao đônng. Về phía địa phương nhanh chóng nắm bắt tình hình các DN cắt giảm lao động, báo với cơ quan chức năng để có thể có định hướng cụ thể cho những nhóm lao động bị nghỉ việc. Và, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để nắm bắt nguyện vọng, tư vấn việc làm phù hợp với trình độ, kỹ năng, khả năng trước khi nghỉ việc; kết nối NLĐ đến các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động để ứng tuyển.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đang đẩy mạnh thực hiện việc này. Trước tình hình nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ thì những NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nên đăng ký tham gia để có thu nhập và cũng là đóng góp vào thị trường lao động đang thiếu nhiều nhân lực. 

Người lao động đang ứng tuyển, trao đổi với đại diện doanh nghiệp tuyển dụng tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.
Người lao động đang ứng tuyển, trao đổi với đại diện doanh nghiệp tuyển dụng tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.

Trước tình hình NLĐ gặp khó khăn do thiếu đơn hàng phải chấm dứt hợp đồng lao động, giãn việc trong thời điểm Tết Nguyên đán năm 2023 đang đến rất gần, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội Hoàng Thị Thu Hồng cho biết: Giải pháp tình thế hiện nay đang được chúng tôi thực hiện là ưu tiễn hỗ trợ kinh phí cho NLĐ ở các DN đang bị nợ lương. Bản thân chúng tôi rất mong muốn có sự can thiệp của Chính phủ để thúc đẩy quá trình thương mại, giúp các DN có đơn hàng và NLĐ có công việc, khi đó mới giải quyết được vấn đề khó khăn mà DN đang gặp phải.

Phó Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cũng đề xuất các giải pháp. Trong đó, đề nghị TP tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại các DN để kịp thời xử lý những vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ và cả DN. Chính phủ tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ để có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Cùng với đó, Chính phủ duy trì các chính sách như giảm thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để DN và NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn này.