Hà Nội thực hiện chính sách ưu đãi người có công tăng lên 2 lần

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà Nội có gần 81.000 người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân hưởng trợ cấp ưu đãi; mỗi năm, NCC được đi điều dưỡng 1 lần và nhận hỗ trợ 1.000.000 đồng/người; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng.

Gần 81.000 người có công và thân nhân hưởng trợ cấp ưu đãi

TP Hà Nội luôn xác định công tác thương binh liệt sĩ, chăm sóc NCC với cách mạng là trách nhiệm, song cũng là tình cảm và vinh dự lớn lao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ cấp TP đến cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đúng, đầy đủ chính sách đối với NCC, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC của TP. Qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của NCC góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tặng quà người có công đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tặng quà người có công đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội.

Điều này thể hiện rõ ở việc, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, từ ngày 1/8/2008 số lượng NCC được TP quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi tăng lên 2 lần. Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn TP đang quản lý gần 800.000 NCC và cũng là địa phương có số lượng NCC lớn nhất toàn quốc. Trong đó, gần 81.000 NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 100.000 NCC và thân nhân đang hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Số tiền chi trả trợ cấp hàng hàng cho NCC ở Hà Nội hàng năm khoảng 1.800 tỷ đồng.

Thực hiện phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng. Trong giai đoạn 2008 – 2023, toàn TP Hà Nội vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 519.754 triệu đồng. Và đã tặng 81.548 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí trên 81 tỷ đồng, hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà ở với 8.135 hộ gia đình NCC với kinh phí trên 291,2 tỷ đồng; tu sửa nâng cấp 1.779 công trình ghi công liệt sỹ với số tiền trên 1.056 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2017, thực hiện Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 7/10/2016 của UBND TP Hà Nội về hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho NCC với cách mạng TP Hà Nội hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), toàn TP đã hoàn thành việc hỗ trợ 7.295 ngôi nhà cho NCC với cách mạng, với tổng kinh phí 913,5 tỷ đồng.

Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội đang thăm khám sức khỏe cho các người có công.
Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội đang thăm khám sức khỏe cho các người có công.

Ngoài thực hiện tốt các công tác giải quyết chính sách ưu đãi với NCC với cách mạng, Sở LĐTB&XH Hà Nội triển khai tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo đời sống cho NCC với cách mạng và thân nhân. Trong 15 năm, toàn TP Hà Nội đã tặng trên 6,7 triệu suất quà, kinh phí trên 2.000 tỷ đồng cho NCC và thân nhân nhân dịp các ngày Lễ, Tết trong năm.

Mỗi năm người có công được đi điều dưỡng một lần

Để chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCC ngày càng tốt hơn, ngày 8/12/2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ NCC với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng. Theo đó, từ năm 2023, NCC được đi điều dưỡng, phục hồi sức khỏe 2 năm 1 lần từ nguồn kinh phí TP, 2 năm 1 lần từ nguồn kinh phí Trung ương. Do vậy, hàng năm, NCC với cách mạng đều được đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC của TP. Ngoài ra, NCC khi đi điều dưỡng còn được hỗ trợ bằng tiền mặt 1.000.000 đồng/người/1 lần.

Khi đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, người có công được vật lý trị liệu, xông hơi, tắm sục, ngâm chân thuốc bắc, massage… để cải thiện sức khỏe.
Khi đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, người có công được vật lý trị liệu, xông hơi, tắm sục, ngâm chân thuốc bắc, massage… để cải thiện sức khỏe.

Hiện nay, TP Hà Nội có 6 trung tâm nuôi dưỡng điều dưỡng NCC và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những năm gần đây, các trung tâm được sự quan tâm của TP, Sở LĐTB&XH Hà Nội đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều dưỡng. Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng NCC số II Hà Nội Nguyễn Văn Triệu cho biết: Trung tâm có hệ thống phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi; hội trường rộng với sức chứa trên 200 người, có đầy đủ thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ chuyên nghiệp; có nhà thi đấu thể thao phục vụ các hoạt động của NCC; thư viện, phòng giải trí karaoke. Cùng với đó là khu luyện tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu xông hơi, tắm sục, ngâm chân thuốc bắc, massage, điện xung, phòng tập đa năng… đã góp phần tích cực triển khai nhiều hoạt động giải trí cho NCC.

Công tác khám, điều trị cho NCC luôn được coi trọng. Khi NCC đến Trung tâm điều dưỡng sẽ được kết hợp nghỉ dưỡng với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng… Bên cạnh đó, 100% NCC điều dưỡng tại Trung tâm được khám bệnh, lập bệnh án, kiểm tra sức khỏe ban đầu, chăm sóc, theo dõi, điều trị đối với các bệnh lý thông thường, lập chế độ ăn kiêng theo bệnh lý, cấp phát thuốc bố, điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu.

Về phía những NCC khi được thụ hưởng chính sách đặc thù của TP đã rất phấn khởi. Trở về gia đình sau lần đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC số II Hà Nội, ông Trần Đức Hiệp là Thương binh hạng ¾ (Tổ dân phố 7, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Trước đây, cứ 5 năm chúng tôi được Nhà nước cho đi điều dưỡng 1 lần, sau đó giảm xuống 2 năm và từ năm nay là mỗi năm 1 lần. Vừa qua, chúng tôi đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC số II Hà Nội thì thấy cảnh quan môi trường ở nơi đây rất đẹp. Từ nhân viên đến cán bộ, lãnh đạo Trung tâm đều thân thiện, hòa nhã và chăm lo cho chúng tôi rất chu đáo. Khi chúng tôi chuẩn bị trở về gia đình thì mỗi người được phát 1 triệu đồng bồi dưỡng.

Những NCC cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước, TP Hà Nội trong những năm qua khi ngày càng mở rộng các chính sách, nâng mức hỗ trợ. Không chỉ vậy, mỗi khi Nhà nước điều chỉnh lương cơ sở thì tiền trợ cấp của NCC lại được tăng theo. Những sự quan tâm rất sâu sắc đó đối với NCC như là nguồn sinh lực để giúp họ có cuộc sống tốt lên, thêm yêu chế độ này hơn và tiếp tục cống hiến cho quê hương đất nước.

 

Từ năm 2016, TP Hà Nội thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội. Trung tâm có quy mô nuôi dưỡng thường xuyên cho 150 người và tẩy độc cho 500 lượt người/năm. Đến thời điểm hiện tại, đây là trung tâm công lập đầu tiên và duy nhất cả nước có chức năng chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và tẩy độc cho cựu chiến binh, con của cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.