Đồng bộ nhiều biện pháp phòng bệnh dại
Trong những năm gần đây, tình hình bệnh dại có xu hướng gia tăng trên địa bàn cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội. Trong 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2151/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030, phấn đấu đến năm 2030 không có người tử vong vì bệnh dại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Theo đó, Chương trình đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025 có 70% số tỉnh, TP giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại; tổ chức quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được quản lý.
Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh dại cấp huyện hoặc vùng liên huyện; ít nhất 10 cơ sở an toàn dịch bệnh dại cấp xã, phường; duy trì 100% các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh dại trong giai đoạn 2017 - 2021; 100% các tỉnh, TP thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng, trường học.
Thực hiện Chương trình này, ngày 04/04/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 105/KH-UBND về thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2030. Tại Kế hoạch số 105/KH-UBND, một trong những mục tiêu cao nhất Thành phố đặt ra là “phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo”.
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội cho biết, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn Thành phố hiện nay là lớn nhất của cả nước, lên tới hơn 440.000 con. Số lượng chó, mèo cũng liên tục biến động.
Bên cạnh đó, sự chủ quan vẫn còn hiện hữu trong một bộ phận người dân. Minh chứng là rất nhiều trường hợp người dân không đưa vật nuôi đi tiêm phòng, ngay cả khi được hỗ trợ vaccine không mất tiền. Tình trạng chó mèo thả rông, không mang rọ mõm vẫn phổ biến trên đường phố, vườn hoa, công viên từ nội đô cho tới ngoại thành.
Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, để chủ động phòng, chống bệnh dại, Hà Nội đã triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp. Song song với thực hiện chỉ đạo của UBND TP, giải pháp được chi cục và các địa phương triển khai hiện nay là thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi và tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo.
UBND TP Hà Nội hỗ trợ 18 huyện, thị xã vaccine phòng, chống bệnh dại; năm 2024 hỗ trợ hơn 370.000 liều vaccine phòng chống bệnh dại cho đàn chó, mèo. TP chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định, đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn.
Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các quán ăn có sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn. Quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y và hành nghề thú y theo dõi, kiểm tra hoạt động tại các cơ sở điều trị thú y tư nhân theo phân cấp (tiêm phòng bệnh dại, điều trị chó mèo); kiểm soát các điểm kinh doanh chó mèo, các cơ sở dịch vụ (huấn luyện, tư vấn, chăm sóc... chó mèo) trên địa bàn các quận. Phối hợp với cơ quan y tế để thường xuyên cập nhật, trao đổi, chia sẻ thông tin mắc bệnh dại trên người và động vật, cung cấp thông tin chó cắn người trên địa bàn quận để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các sở ngành, địa phương tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó và tiêm phòng vaccine dại; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo nuôi.
Cùng với thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động của các đội bắt chó thả rông; có cơ chế, chính sách cho đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại bằng nhiều hình thức; kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao… UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở thực hiện tốt việc quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn; xử lý triệt để tình trạng chó thả rông, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi, nhốt chó, mèo bảo đảm điều kiện vệ sinh thú ý…
12/12 quận được công nhận vùng an toàn bệnh dại
Thực tiễn công tác phòng, chống dịch bệnh dại đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, 9 nhóm giải pháp tại kế hoạch 105 đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ góp phần rút ngắn thời gian, hiện thực hóa mục tiêu trọng tâm “không có người tử vong vì bệnh dại” vào năm 2023. Thay vì phải đợi đến năm 2030, từ năm 2023 đến nay, Hà Nội đã đạt được mục tiêu “không có người tử vong vì bệnh dại” góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hà Nội đã và đang dần hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành xây dựng vùng an toàn bệnh dại đối với các quận chưa được công nhận trước năm 2025. Tính đến nay, Hà Nội đã có 12/12 quận được Cục Thú y ra Quyết định công nhận vùng an toàn bệnh dại.
Việc hoàn thành xây dựng 12/12 quận thành vùng an toàn bệnh dại là mốc quan trọng đánh dấu Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các quận thành Vùng an toàn dịch bệnh dại trước năm 2025” theo đúng chỉ đạo tại Kế hoạch số 105/KH-UBND.
100% các quận từ khi được công nhận Vùng an toàn bệnh dại đến nay không có chó mắc dại và không có người tử vong vì bệnh dại. Việc được công nhận là vùng an toàn bệnh dại sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển du lịch Thủ đô và đặc biệt sẽ là điểm đến an toàn trong mắt của các du khách Quốc tế.
Đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại đàn chó, mèo luôn đạt trên 90% tổng đàn thuộc diện tiêm. Trong những năm qua, mặc dù Thành phố chỉ hỗ trợ vaccine Dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn các huyện, thị xã, tuy nhiên thực tiễn công tác tiêm phòng vaccine dại trên địa bàn Hà Nội luôn đạt tỷ lệ cao. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thành phố.